Ngày 5/8, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng cổ phần Xây dựng Việt Nam tiếp tục bước sang phần xét hỏi.
Hội đồng xét xử đã cho mời đại diện các ngân hàng, hội đồng định giá trong tố tụng hình sự của 6 địa phương, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan về 40 bất động sản của bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB), Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đang bị kê biên để trả lời về số tài sản này.
Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) đi đầu và các bị cáo khác được dẫn giải vào tòa xét xử. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN) |
Cụ thể, các ngân hàng đang giữ một số tài sản của bị cáo Phạm Công Danh để đảm bảo cho khoản vay của Phạm Công Danh tại đây, đều đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên để được phát mãi tài sản vì họ nhận tài sản đảm bảo trước khi xảy ra vụ án gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỷ đồng; tài sản được đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định; đồng thời, các ngân hàng cũng cam kết sau khi phát mãi trừ đi nợ gốc và lãi phát sinh, nếu có số dư sẽ chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả cho vụ án này.
Thông qua luật sư của mình, ông Phạm Công Danh đề xuất Hội đồng xét xử cho phép rao bán khối tài sản là các bất động sản thuộc Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Trinh (Đà Nẵng), song song với quá trình xét xử để khắc phục hậu quả vụ án.
Ông Danh xin phép Hội đồng xét xử được để cho người đại diện của Tập đoàn Thiên Thanh là em trai Phạm Công Trung, làm việc với các đối tác thông báo chào bán, đầu tư vào lô đất này với giá tốt nhất (theo ông Danh lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng trị giá 250 triệu USD).
Nếu các nhà đầu tư đồng ý mua, thì mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện mời họ đến phiên tòa để làm việc. Hội đồng xét xử sau đó quyết định cho ông Danh gặp vợ và em trai trong giờ giải lao để bàn bạc việc bán tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Buổi gặp gỡ có sự giám sát của Viện Kiểm sát và điều tra viên Bộ Công an.
Xét xử từ ngày 19/7 đến nay, phiên tòa đã làm sáng tỏ cơ bản quá trình gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB của bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, tái cấu trúc TrustBank khi đang làm ăn thua lỗ và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Để tiếp quản ngân hàng, Phạm Công Danh khai đã đưa cho Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương – đã bị bắt cuối năm 2014) 500 tỷ đồng làm “phí môi giới".
Sau đó, Phạm Công Danh thuê Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) viết đề án tái cơ cấu ngân hàng và trả công cho Mai 3,2 tỷ đồng. Đề án này sau đó được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Để mua ngân hàng và những tài sản đi kèm, ông Danh phải trả 4.600 tỷ cho bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ - sở hữu hơn 80% cổ phần ngân hàng Trustbank).
Tuy nhiên, những tài sản đi kèm ngân hàng sau đó không thể sang nhượng cho Phạm Công Danh do những tài sản này đang bị kê biên.
Khai tại tòa, Phạm Công Danh cho rằng chính điều này khiến bị cáo “sa lầy”, phải “huy động vốn bằng mọi giá” để duy trì hoạt động ngân hàng, dẫn đến vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Theo cáo trạng, nắm quyền kiểm soát ngân hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các đồng phạm ký hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại hai địa chỉ số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh với hai công ty của Phạm Công Danh (Công ty Trung Dung, Công ty Hương Việt) để rút số tiền 601,6 tỷ đồng từ VNCB; xây dựng các bộ hồ sơ khống, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh (Đà Nẵng) lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB số tiền 5.000 tỷ đồng (đến nay đã tất toán được 300 tỷ đồng).
Phạm Công Danh còn chỉ đạo 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh chuyển khoản hoặc rút tiền mặt trái phép bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền 4.700 tỷ đồng để trả nợ; rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB dù không được sự đồng ý, không có chữ ký của chủ tài khoản trên các ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay; tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng; làm trái quy định trong việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng. Tổng cộng gây thất thoát cho VNCB 9.000 tỷ đồng.
Trong suốt phần xét hỏi, Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát dành phần lớn thời gian làm rõ đường đi của khoản tiền 5.490 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích (giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) cùng cộng sự về việc gửi tiền và vay tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị Phạm Công Danh và các đồng phạm rút mà không có hồ sơ chứng từ và sự đồng ý của chủ tài khoản.
Theo cáo trạng, ngày 21/8/2013, bà Trần Ngọc Bích thay mặt nhóm cá nhân gồm 9 người thân, nhân viên Tập đoàn Tân Hiệp Phát (gọi là nhóm Trần Ngọc Bích) cầm cố 124 sổ tiết kiệm vay 3.100 tỷ đồng của VNCB. Hồ sơ vay được thực hiện đúng thủ tục với đầy đủ các chữ ký của 9 cá nhân.
Sau khi tiền chuyển vào tài khoản của bà Bích, ông Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết (Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) làm thủ tục chuyển hết vào tài khoản của mình và việc chuyển tiền này không có chữ ký của bà Bích.
Trong ngày, ông Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh (Dr Thanh - cha bà Bích) số tiền hơn 3.160 tỷ đồng (trong đó 60 tỷ được cho là trả lãi) để trả cho khoản vay 3.100 tỷ đồng ông Danh đã vay của nhóm bà Bích ngày 21/6/2013.
Cũng với hình thức tương tự, ngày 26/8/2013, nhóm bà Bích làm thủ tục vay của VNCB 2.090 tỷ đồng thông qua việc thế chấp sổ tiết kiệm. Số tiền này sau đó được ông Danh chỉ đạo chuyển từ tài khoản của Bích sang 2 tài khoản của cấp dưới, tiếp đó chuyển cho ông Thanh để trả các khoản vay trước đó giữa ông Danh và nhóm Trần Ngọc Bích.
Ngoài ra, trong ngày 20-21/12/2013, ông Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) sử dụng 6 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích vay 300 tỷ đồng của VNCB nhưng không có hồ sơ chứng từ.
Khai tại tòa, bà Trần Ngọc Bích khẳng định: VNCB tự ý chuyển số tiền này mà không có sự đồng ý của bà. Chỉ đến khi cơ quan điều tra mời lên làm việc (sau khi vụ án được khởi tố), bà mới biết số tiền trong tài khoản của mình bị ông Danh chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục chuyển đi. Bà Bích nói không quen biết ông Danh, phủ nhận quan hệ vay mượn với ông Danh mà nói rằng chỉ có quan hệ với bà Phạm Thị Trang (thường gọi là Trang phố núi, hiện đã xuất cảnh).
Về phần mình, ông Phạm Công Danh cho biết trước đó bà Bích có quan hệ với bà Phạm Thị Trang (hiện đã xuất cảnh) nên Trang giới thiệu bà Bích gửi tiền ở VNCB. Sau này, bà Trang không muốn làm cầu nối cho 2 bên nữa thì có mời Phạm Công Danh về Tập đoàn Tân Hiệp Phát gặp ông Trần Quý Thanh. Và sau này, các cuộc vay mượn được thực hiện trực tiếp từ Phạm Công Danh và nhóm của bà Trần Ngọc Bích, Trang không còn liên quan. Ông Danh phủ nhận việc chỉ đạo rút 5.490 tỷ đồng trong tài khoản của bà Bích gửi tại VNCB mà không có chữ ký của bà Bích.
Phần xét hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho thấy, nhóm bà Bích vay số tiền 3.100 tỷ là để ông Phạm Công Danh vay lại. Thực tế, trong rất nhiều lần gửi, vay của nhóm bà Bích với VNCB chỉ là giao dịch trên tài khoản, chưa khi nào tiền được rút ra khỏi ngân hàng.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết khẳng định rằng ,việc chuyển tiền từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh hoàn toàn là có sự đồng thuận của nhóm bà Bích. Bởi việc này đã được thực hiện nhiều lần chứ không phải chỉ 1 lần. Bị cáo Quyết một mực khẳng định chuyển từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản ông Danh "là theo chỉ đạo của ông Danh".
Việc bà Bích trước đó khai không biết số tiền 5.490 tỷ đồng chuyển ra khỏi tài khoản của mình là không đúng sự thật.
Về phía VNCB, ngân hàng này cho biết chỉ trả lại 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Hiệp Phát, khi nhóm này thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tài chính nợ gốc và lãi đang còn tồn đọng tại VNCB.
Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 18/8./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.