(HNMCT) - “Siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, quần áo miễn phí, thực phẩm miễn phí... là hình ảnh dễ thấy trong những ngày cả nước gồng mình phòng, chống dịch Covid-19. Như một mạch nguồn dân tộc, tinh thần “tương thân, tương ái” khi được khơi gợi đã trỗi dậy mạnh mẽ như thế.
Tinh thần ấy đã trở thành căn tính dân tộc từ khi nào và làm thế nào để phát huy hơn nữa phẩm chất quý báu ấy? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này.
- Không phải bây giờ, khi dịch Covid-19 hoành hành, tinh thần “tương thân, tương ái” mới được thể hiện mà từ rất lâu, phẩm chất này đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Đúng vậy! Đối với một dân tộc “từ thuở còn nằm nôi” đã luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa, dịch bệnh, chiến tranh... thì tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” luôn hiện hữu như một phẩm tính quý báu, một cách ứng xử thông minh, cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, chủ nhân ở xứ sở này đã buộc phải thích ứng, tự tôi rèn để hình thành những phẩm chất quý giá, khẳng định bản lĩnh, khí chất của người Việt. Phẩm tính quý báu đó có sự tiếp nối như một dòng chảy vô tận từ truyền thống đến cuộc sống hiện đại hôm nay. Nó tiềm ẩn sâu sắc, lâu dài, bền bỉ trong huyết quản của mỗi người dân đất Việt và mỗi khi đất nước gặp khó khăn, sức mạnh ấy được “đánh thức”, thổi bùng lên và lan tỏa mạnh mẽ.
- Từ góc nhìn của bà, tinh thần “tương thân, tương ái” đã được phát huy ra sao trong những thời điểm đặc biệt của lịch sử?
- Tinh thần “tương thân, tương ái” là một sợi chỉ xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Khi một người vì mọi người, mọi người vì một người, cả một dân tộc sẽ tạo thành một thể thống nhất, đoàn kết, mà đoàn kết chính là yếu tố làm nên sức mạnh. Phù Đổng Thiên Vương là một trong những truyền thuyết tiêu biểu thể hiện sâu sắc tinh thần “tương thân, tương ái” khi đất nước nguy nan. Khi vua Hùng Vương thứ VI ra lời hiệu triệu tìm người hiền tài ra cứu nước thì từ cậu bé 3 tuổi đến mọi tầng lớp nhân dân đều “đồng khí tương cầu” hưởng ứng lời kêu gọi. Cậu bé ấy đã lớn lên bằng “cơm cà, mắm muối” của dân làng Phù Đổng và nhân dân quanh vùng. Vũ khí bằng sắt mà Thánh Gióng có trong tay cũng là sự chung sức đóng góp của nhân dân. Thánh Gióng mang sức mạnh của nhân dân ra trận, được nhân dân tôn vinh bởi phẩm chất người anh hùng vì dân, vì nước và chính sức mạnh đoàn kết ấy đã làm nên chiến thắng và khiến quân thù khiếp vía kinh hồn.
Tinh thần ấy còn được thể hiện khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 với muôn vàn khó khăn. Cảm kích trước tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bức thư gửi đồng bào cả nước, ngay sau đó Quỹ Độc lập đã được thành lập, Tuần lễ vàng đã được phát động và các nhà tư sản đã tích cực đóng góp tiền, vàng, sản nghiệp để góp công xây dựng nước nhà non trẻ. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tinh thần “tương thân, tương ái”, một lần nữa, được thể hiện trong trách nhiệm công dân “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” của nhân dân miền Bắc. Chính họ đã trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam, yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể thấy truyền thống “tương thân, tương ái” là một phẩm chất quý báu của dân tộc ta mà chỉ cần có điều kiện khơi gợi là tinh thần ấy bùng lên như ngọn lửa, và từ những ngọn lửa nhỏ sẽ góp thành ngọn lửa lớn làm nên sức mạnh dân tộc Việt.
- Thế còn hiện tại, bà có cho rằng chính tinh thần “tương thân, tương ái” đã làm nên sức mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19?
- Nó có vai trò hết sức to lớn trong những thành công bước đầu của Nhà nước ta trước dịch Covid-19. Cần phải hiểu rằng, trong lịch sử cũng như hiện tại, Chính phủ chỉ phát ra lời kêu gọi khi gặp tình huống cấp bách và lúc này cần nhất là sự hưởng ứng của cả cộng đồng. Và, trước lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ thị của Chính phủ, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ các y, bác sĩ, chiến sĩ cho đến các cụ già, em nhỏ, ai nấy đều hưởng ứng một cách cao độ. Rất nhiều hoạt động của Chính phủ Việt Nam như chuyến bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về tránh dịch, miễn phí toàn bộ tiền khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 hay gói hỗ trợ chưa có tiền lệ trị giá 62 nghìn tỷ đồng cho hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... đã thể hiện hình ảnh của một Chính phủ nhân văn, vì con người. Câu nói của người đứng đầu Chính phủ: “Không có ai bị bỏ lại phía sau” đã có một sức mạnh truyền cảm hứng lớn lao đến mọi người dân. Ai nấy đều cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, muốn góp sức làm một điều gì đó cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Đó chính là sức mạnh của sự liên kết cộng đồng, của tinh thần “tương thân, tương ái”.
- Đất nước đang trên đà phát triển, khó khăn, thử thách luôn đồng hành, theo bà thì tinh thần “tương thân, tương ái” phải được phát huy thế nào để không chỉ là “phao cứu sinh” lúc thiếu thốn mà còn trở thành lối ứng xử thường trực không ngừng được bồi đắp qua nhiều thế hệ?
- Như tôi đã nói, tinh thần vì cộng đồng đã có sẵn trong huyết quản của mỗi người Việt, cái mà chúng ta cần chỉ là phát huy tinh thần đó cao hơn nữa, không chỉ trong lúc khó khăn mà ngay cả ở điều kiện bình thường. Tuyên truyền, giáo dục vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Chúng ta cần tích cực đưa các nội dung, những tấm gương về tinh thần “tương thân, tương ái” trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, tuyên truyền chỉ là một mặt, gốc rễ vẫn là các hình thức giáo dục trong ba môi trường căn bản: Gia đình, nhà trường và xã hội. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định yếu tố đầu tiên và trung tâm chính là con người.
Chính vì thế, tại mỗi gia đình, cần giáo dục tinh thần “tương thân, tương ái” bằng cách nêu gương, ông bà thương yêu các cháu, bố mẹ quan tâm đến con cái, anh chị em đùm bọc san sẻ cho nhau. Trong nhà trường cần đẩy mạnh các phong trào thiết thực như phong trào tình nguyện, hiến máu nhân đạo... để các em thấy rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội. Quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cần đồng lòng chung sức, coi dân là gốc trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc cần được tiếp tục gìn giữ, phát huy thông qua hoạt động của các tổ chức nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì trẻ em khuyết tật, các chương trình an sinh xã hội của Chính phủ..., các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, tạo sự lan tỏa trong mọi tầng lớp, cộng đồng dân cư. Khi một đất nước mà từ người đứng đầu đến mọi tầng lớp nhân dân đều chung một suy nghĩ vì cái chung, vì cộng đồng, “thương người như thể thương thân” thì không có khó khăn nào là không thể vượt qua.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.