Đời sống

Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Khánh Linh 19/11/2024 - 06:20

Công tác bình đẳng giới ở nước ta luôn được đặc biệt quan tâm và đạt những tiến bộ tích cực.

Tuy nhiên, theo Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA), hiện tượng bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn xảy ra và đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của cả xã hội trong đấu tranh đòi quyền bình đẳng, chống lại các hình thức đối xử bất công với phụ nữ.

z6028792479338_65080ea30173.jpg
Tổ chức Di cư Quốc tế IOM tới thăm “Ngôi nhà bình yên” và trao đổi về công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới.

Những nỗ lực từ nhiều phía

Những năm gần đây, nhờ sự cố gắng của cộng đồng quốc tế mà Liên hợp quốc (LHQ) là cơ quan khởi xướng, việc nâng cao địa vị bình đẳng của phụ nữ đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Có thể kể đến như việc Đại hội đồng LHQ đã thông qua Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979) - văn kiện tạo khuôn khổ cho việc thực thi các quyền của phụ nữ, được 189 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Việt Nam; ra Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ (1998); chỉ định ngày 25-11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (từ năm 1999)...

Là thành viên của LHQ, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ, xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,... nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về ứng xử trong gia đình, nâng cao địa vị, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội...

Tại Hà Nội, với vai trò nòng cốt trong công tác bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đã xây dựng nhiều mô hình mới về phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em như “Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Nhà trọ an toàn”, “Chung cư an toàn”, “Gia đình nói không với bạo lực”... Nhiều nơi có mô hình sáng tạo như “Câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ nam giới đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em”...

Lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp Hội LHPN phải kể đến mô hình “Tổ tư vấn” bởi tính đến tháng 7-2024, Hội LHPN Hà Nội đã thành lập được 98 “Tổ tư vấn”, tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em với 885 thành viên tại 18 quận, huyện và 80 xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, trong số những mô hình hoạt động hiệu quả ở Hà Nội không thể không nhắc đến mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” (nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới) được triển khai thí điểm từ tháng 8-2018 tại số 360 Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Hay sự tham gia của “Ngôi nhà bình yên” của Hội LHPN Việt Nam, nơi tạm trú cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, toàn diện và miễn phí. Theo bà Nguyễn Thúy An, nhân viên xã hội Trung tâm trợ giúp xã hội thuộc “Ngôi nhà bình yên”, từ năm 2007 đến tháng 6-2024, “Ngôi nhà bình yên” đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 1.700 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân hoặc nghi ngờ là nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; tham vấn hơn 17.500 ca, hơn 21.000 người.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều cố gắng của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức người dân ngày một nâng cao nhưng tình hình bạo lực chống lại phụ nữ ở nước ta vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Việt Nam vẫn còn tồn tại bạo lực trên cơ sở giới, ở cả trong gia đình và ngoài cộng đồng. Trong đó, các hình thức bạo lực ngoài cộng đồng phổ biến như quấy rối tình dục nơi công cộng, trường học, nơi làm việc, không gian mạng...; trong gia đình là các hình thức bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế...

Theo Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Chính phủ, năm 2023 Việt Nam có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó, nạn nhân nữ là 2.628 người, chiếm 82,3%, nạn nhân là nam giới có 565 người, chiếm 17,7%. Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, ở Việt Nam, vấn nạn này vẫn còn ẩn giấu trong xã hội vì hơn 90% nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền, một nửa trong số họ chưa bao giờ kể cho ai biết về việc mình từng bị bạo lực.

Chị Vũ Xuân Y., một nạn nhân từng bị chồng bạo hành chia sẻ: “Nạn nhân của bạo lực gia đình thường là phụ nữ do chị em quan niệm rằng chuyện trong nhà nên “đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ thiếp”... nên thỏa hiệp, giấu nhẹm sự việc mình bị bạo hành. Nguy hiểm hơn, nhiều chị em quan niệm đó là lỗi tại mình, do bản thân chưa đủ tốt, không có giá trị, không xứng đáng được tôn trọng và yêu thương...”.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong công tác phòng ngừa bạo lực phụ nữ còn đến từ chính những hạn chế trong quy định xử phạt hiện nay, đặc biệt là hình thức xử phạt hành vi bạo lực gia đình bằng tiền. Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Tổ tư vấn” tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em” tháng 8 vừa qua, bà Công Thị Tuyết Lan - Hội LHPN phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho biết: “Với hình thức xử phạt bằng tiền, đối với những người có điều kiện kinh tế thì hình thức này không có ý nghĩa răn đe. Còn với người không có thu nhập, đôi khi nạn nhân phải đi nộp thay cho người có hành vi vi phạm. Như vậy cũng không thể giáo dục người vi phạm mà chỉ làm nạn nhân không còn muốn tố cáo hành vi bạo lực”.

Trước thực trạng trên, để công tác phòng, chống bạo lực phụ nữ có hiệu quả, các cơ quan, ban, ngành cần ưu tiên giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh truyền thông, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa và ứng phó hiệu quả...

Với các cấp quận, huyện, bài học kinh nghiệm tại đây luôn cụ thể và sát thực tế. Huyện Gia Lâm là nơi đang triển khai nhiều câu lạc bộ nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực gia đình. Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết, điều cần có là huy động sự vào cuộc của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền là nam giới, đồng thời lựa chọn chủ đề sinh hoạt câu lạc bộ trúng với nhu cầu của nam giới...

Với huyện Đông Anh, nơi có số nữ lao động nhập cư lớn, theo bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh, Hội đã thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ khu công nghiệp và khu chế xuất với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt Chi hội, CLB, tổ nhóm phụ nữ tín dụng - tiết kiệm, tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi... Từ những buổi tuyên truyền như thế, chị em sẽ có thêm kiến thức về bạo lực giới, bất bình đẳng giới để tự bảo vệ mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ: Cần sự chung tay của toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.