(HNMO) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Qua báo cáo cho thấy, dù có nhiều khó khăn thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực sau đại dịch Covid-19; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 8%
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tuy nhiên, bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Trong 9 tháng năm 2022, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Tăng trưởng GDP trong 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%). Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD.
Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết 3 chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365km và thông tuyến 200km. Đồng thời, phấn đấu trong tháng 12-2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Cùng với đó, các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ khoảng 87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Chú trọng phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch chồng dịch; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.
Triển khai 12 nhóm nhiệm vụ trong năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội… Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...
Chính phủ cũng đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện trong năm 2023. Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đồng thời, có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác.
Cùng với đó là tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra. Kịp thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch của hệ thống y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Chính phủ cũng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quy hoạch; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thực hiện nghiêm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia… Cùng với đó là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...
“Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 đặt ra là rất nặng nề. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, năm 2023, góp phần thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
→ Toàn văn Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023:Xem tại đây
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.