Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 14-9-2024

Thư Ký

Ngăn chặn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp: Ứng dụng công nghệ, phòng ngừa rủi ro; Đấu giá nhà tái định cư không sử dụng: Còn nhiều trở ngại; Góp ý xây dựng tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa: Để danh xứng với thực; Tại phường Trung Tự (Đống Đa): Dự án dở dang gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường; Dự án đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng - giai đoạn 1: Bao giờ người dân mới an cư?... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 14-9-2024.

Ngăn chặn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp: Ứng dụng công nghệ, phòng ngừa rủi ro

ho-tro-giai-quyet-cac-thu-tuc-thue-truc-tuyen-tai-cuc-thue-thanh-pho-ha-noi.-anh-nguyen-quang.jpg
Hỗ trợ, giải quyết các thủ tục thuế trực tuyến tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp với nhiều chiêu thức, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến trường kinh doanh. Để ngăn chặn hiệu quả việc mua bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, bên cạnh phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý; ngành Thuế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phân loại doanh nghiệp, nhận diện rủi ro, ngăn chặn, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) Nguyễn Tiến Trung cho biết, để ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát thông tin rao bán hóa đơn điện tử trên mạng, thu thập thông tin của tổ chức, cá nhân bán trái phép hóa đơn, truy xuất nguồn gốc hóa đơn rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...).

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ xử lý nghiêm công chức thiếu trách nhiệm, lơ là, bỏ sót công việc; làm ngơ, tiếp tay, tham gia vào hoạt động mua, bán, gian lận về hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế cũng trình Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ hoàn thiện chính sách theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin sử dụng hóa đơn điện tử để có thể đối chiếu với thông tin định danh...

Đấu giá nhà tái định cư không sử dụng: Còn nhiều trở ngại

du-an-khu-nha-o-tai-dinh-cu-o-cac-o-dat-no15-va-no16-phuong-thuong-thanh-quan-long-bien-da-hoan-thanh-nhung-chua-dua-vao-su-dung.-anh-trieu-duong.jpg
Dự án khu nhà ở tái định cư ở các ô đất NO15 và NO16, phường Thượng Thanh (quận Long Biên) đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng. Ảnh: Triệu Dương

Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố phương án bán đấu giá thu hồi vốn đối với các khu nhà tái định cư không sử dụng. Giải pháp này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia kinh tế và bất động sản, với những nhận định cả về lợi ích mang lại cũng như những trở ngại phải đối mặt.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực, cùng với các văn bản hướng dẫn ban hành đã tạo hành lang pháp lý để các địa phương, trong đó có Hà Nội rà soát và thí điểm các giải pháp xử lý phù hợp nhà ở tái định cư không sử dụng, trong đó có phương án đấu giá đối với những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang lâu năm. Việc đấu giá các dự án nhà tái định cư không sử dụng là phương án đáng hoan nghênh bởi đem lại nguồn thu tốt cho ngân sách.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp này sẽ là một mũi tên trúng hai đích khi vừa tạo thêm nguồn cung mới về nhà ở trong bối cảnh thị trường đang khan hiếm như hiện nay, vừa giải quyết tình trạng lãng phí nguồn lực ngân sách, đất đai.

Góp ý xây dựng tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa: Để danh xứng với thực

mo-hinh-to-dan-pho-van-hoa-kieu-mau-tai-to-dan-pho-23-phuong-trung-liet-quan-dong-da-..jpg
Mô hình "Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu" tại tổ dân phố 23, phường Trung Liệt (quận Đống Đa).

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, tổ dân phố đóng góp vào Dự thảo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Hà Nội. Qua các ý kiến đóng góp cho thấy, còn không ít bất cập trong xây dựng tiêu chuẩn, cần sửa đổi phù hợp để danh hiệu có tính thực tế, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Hiện nay, vẫn còn khá nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân cho dự thảo tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu văn hóa với mong muốn các tiêu chí bám sát thực tế, phù hợp với đời sống hiện đại. Trong đó, PGS.TS Phạm Duy Đức lưu ý đến việc cần chú trọng các nội dung về "Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" trong tiêu chí xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa".

Còn TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đề xuất, cần thiết xây dựng thêm phần giải thích chi tiết đi kèm với từng tiêu chí, nhằm tăng tính rõ ràng và dễ áp dụng trong thực tế.

Tại phường Trung Tự (Đống Đa):
Dự án dở dang gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường

sau-nhieu-nam-thi-cong-du-an-xay-dung-he-thong-cong-bao-song-lu-van-chua-hoan-thanh..jpg
Sau nhiều năm thi công, Dự án xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ vẫn chưa hoàn thành.

Được khởi công từ năm 2020, Dự án xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ nằm trong gói thầu số 3 - Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm cải tạo môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân phường Trung Tự (quận Đống Đa), dự án... "bất động" 2 năm nay, để lại ngổn ngang vật liệu, gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân khu vực dự án…

Trước bức xúc của nhân dân, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự Đặng Minh Chính thông tin, ngày 18-8-2023, UBND phường Trung Tự có Văn bản số 232/UBND - ĐCXD báo cáo UBND quận Đống Đa về bức xúc của cử tri và nhân dân. Trước đó, ngày 23-8-2021, UBND quận Đống Đa cũng có Văn bản số 1612/UBND-QLĐT gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố đề nghị kiểm tra, khắc phục hệ thống mặt đường bị lún nứt gây mất an toàn; sắp xếp đá sỏi, ống cống gọn gàng, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đường phố. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa được giải quyết...

Dự án đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng - giai đoạn 1:
Bao giờ người dân mới an cư?

t7-duan-nghiatrang-yenky.jpg
Dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng - giai đoạn 1 triển khai từ năm 2011.

Dự án đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng - giai đoạn 1 trên địa bàn huyện Ba Vì triển khai từ năm 2011, song đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội, các đại biểu đã chất vấn nội dung này, nhằm thúc đẩy dự án, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

UBND thành phố yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực, chủ động liên hệ với các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố, UBND huyện Ba Vì và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

“Huyện mong các sở, ngành quan tâm, đôn đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh sớm trình UBND thành phố điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai để người dân sớm an cư, ổn định cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 14-9-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.