Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Ngoài hệ thống giải pháp đã triển khai, cơ quan thuế đang đề xuất một số giải pháp mới, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn nêu trên.
Chiều hướng ngày càng phức tạp
Từ ngày 1-7-2022, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Tính đến ngày 15-5-2024, hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý gần 7,8 tỷ hóa đơn (trong đó có 2,2 tỷ hóa đơn có mã và 5,6 tỷ hóa đơn không mã).
Việc triển khai hóa đơn điện tử đã làm thay đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Quan trọng hơn, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu được hóa đơn đầu ra, đầu vào...
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp song không thực hiện mục đích sản xuất, kinh doanh mà chỉ nhằm bán hóa đơn khống, thu lợi bất chính. Một số doanh nghiệp thực hiện hành vi mua hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt thuế và nhằm các mục đích khác, như: Kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp ngân sách nhà nước; sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hàng buôn lậu, tham ô… Những hành vi trên gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Thượng tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn có chiều hướng ngày càng phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn gây khó khăn cho việc điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.
Còn theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn, tính riêng năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 vụ sai phạm về hồ sơ thuế. Cơ quan thuế cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ từ cơ quan công an liên quan đến lĩnh vực thuế của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế.
Đề xuất hệ thống giải pháp mới
Để hạn chế tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế cho biết, đã xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về hóa đơn điện tử. Việc này sẽ giúp nhận diện được doanh nghiệp có rủi ro cao về sử dụng hóa đơn điện tử, đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan công an những trường hợp có dấu hiệu tội phạm. Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan chức năng có liên quan (hải quan, ngân hàng...) truy vết doanh nghiệp có dấu hiệu mua, bán hóa đơn và điều tra, xử lý triệt để. Cơ quan thuế cũng công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp…
Đặc biệt, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Dự kiến nghị định mới sẽ bổ sung giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn, như: Kiểm tra các thông tin của người đại diện theo pháp luật giữa dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế với dữ liệu tại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc xác minh người nộp thuế có hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật do Tổng cục Thuế cung cấp để yêu cầu báo cáo, giải trình trước khi thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp.
Các cơ quan hữu quan cần đề xuất sửa đổi Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4-1-2021 về đăng ký doanh nghiệp để cá nhân thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp chỉ được thành lập doanh nghiệp mới nếu hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế; từ đó bảo đảm kiểm soát việc thành lập doanh nghiệp của các đối tượng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan để yêu cầu doanh nghiệp vi phạm hành chính về quản lý thuế phải khắc phục các vi phạm trước khi tạm ngừng kinh doanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.