(HNM) - Nghị định 77/2012 của Chính phủ về phòng chống thư rác được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế nạn tin nhắn rác. Thế nhưng, đến nay vấn nạn này vẫn chưa giảm.
NĐ 77 có một số quy định cụ thể như: Các CSP chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý trước đó của người nhận. Phải chấm dứt việc gửi đến người nhận thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận. Khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận…
Ảnh: Internet |
Sau ngày 1-1-2013, tin nhắn rác chỉ tạm trầm lắng vào khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, sau đó lại tái diễn. Nhiều khách hàng phản ánh, sau khi nhắn tin theo cú pháp TC gửi đến đầu số quy định của nhà mạng để không nhận tin rác, tuy không phải nhận tin nhắn quảng cáo từ các đầu số của nhà mạng đang dùng, nhưng họ vẫn đều đặn nhận được tin rao bán sim số đẹp, chăn ga gối đệm, mời gọi coi bói toán, lô đề… Có bạn đọc cho biết, họ nhắn tin từ chối nhận tin rác, sau đó thuê bao chỉ không nhận được duy nhất loại tin nhắn tặng giá trị thẻ nạp và ngày sử dụng, còn vẫn đều đặn nhận các loại tin rác quảng cáo.
Trở lại với một số quy định của NĐ 77 về phòng chống thư rác. Quy định là vậy, nhưng thuê bao có nhận được thông báo đồng ý hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo hay không là chuyện đáng bàn. Một khách hàng dùng cả 3 thuê bao của 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone cho biết, từ cuối năm 2012 cho đến hiện nay (thời điểm trước và sau khi NĐ 77 có hiệu lực) chưa hề nhận được tin nhắn nào của nhà mạng hỏi đại loại như anh (chị) có đồng ý hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo… Khi nhà mạng không hỏi, khách hàng biết đằng nào mà trả lời. Ngược lại, làm theo hướng dẫn nhắn tin từ chối nhận tin rác tới đầu số tổng đài thì kết quả như đã kể trên.
Trong một số cuộc họp tại Bộ TT-TT, liên quan đến vấn nạn tin rác, lãnh đạo các nhà mạng VNPT (chủ quản của Mobifone và Vinaphone), Viettel, cho biết họ triển khai biện pháp kỹ thuật và cả các quy định trong biên bản hợp tác với CSP góp phần giảm đáng kể loại tin nhắn này. Cũng để ngăn chặn thiệt hại từ phía khách hàng, gần đây Vinaphone còn nhắn tin cảnh báo khách hàng cảnh giác trước nạn tin nhắn lừa. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận. Song không thể phủ nhận là tin rác vẫn đều đặn gây phiền nhiễu cho khách hàng. Tại các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của toàn ngành TT-TT năm 2013 và gần đây nhất trong cuộc họp giao ban về quản lý nhà nước của ngành, nạn tin nhắn rác tiếp tục được đề cập và được các nhà quản lý nhận định đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Nguyên nhân được xác định là do vẫn chưa thực hiện tốt khâu quản lý sim di động trả trước. Như vậy trong thời gian không ngắn tới đây nạn tin nhắn rác vẫn còn hoành hành.
Bao giờ có "biệt dược" xóa bỏ triệt để tình trạng tin nhắn rác vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời hữu hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.