(HNMCT) - Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đã kết thúc vòng sơ khảo. Số lượng và chất lượng các bài dự thi cho thấy tín hiệu vui về văn hóa đọc của lớp trẻ.
Số lượng bài thi “khổng lồ”
Tiếp nối thành công của cuộc thi năm 2019, từ tháng 2-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 trên phạm vi toàn quốc. Đây là hoạt động dành cho học sinh, sinh viên cả nước, với mục đích khơi dậy niềm đam mê đọc sách ở thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen, phương pháp, kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên.
Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức muốn tìm chọn những gương mặt tiêu biểu để truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu đọc sách và văn hóa đọc đến mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ. Cho đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 đã thu hút được sự tham gia của gần một triệu học sinh, sinh viên - con số không hề nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, có lúc cần thực hiện giãn cách xã hội.
Khác với năm trước, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 đã mở rộng đối tượng tham gia tới người khiếm thị; vòng sơ khảo dành cho người khiếm thị và các trường thuộc lực lượng vũ trang được tổ chức riêng. Sự tham gia của gần một triệu học sinh, sinh viên cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với cuộc thi nói riêng và văn hóa đọc nói chung.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà: “Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết của trẻ em, các nhà trường và các gia đình. Văn hóa đọc đã âm thầm lan tỏa và có hiệu ứng tốt đẹp”.
Kết thúc vòng sơ khảo, gần 1.200 bài dự thi lọt vào vòng chung kết, trong đó có hơn 1.000 bài dự thi bằng văn bản, hơn 100 bài dự thi là các clip thuyết trình. Có thể nói, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 không chỉ gây bất ngờ về số lượng bài dự thi, mà chất lượng bài thi cũng được đánh giá cao. Rất nhiều bài dự thi thể hiện ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ, được thực hiện công phu, đẹp mắt thành những cuốn sách dày, các mô hình kỳ công, những bức tranh minh họa sinh động, các bản chép tay với nét chữ đẹp như in...
Nội dung các bài dự thi cũng hết sức phong phú: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; bày tỏ cảm nhận về các tác phẩm kinh điển, về văn học trong nhà trường; chia sẻ phương pháp đọc sách, đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc; tập sáng tác, làm thơ hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện; kể các tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống; tình thầy trò, tình cảm gia đình... Nhiều bài viết ghi lại cảm nhận sâu sắc của các em học sinh, sinh viên, tạo sự xúc động và gây hiệu ứng mạnh mẽ đối với người đọc.
Lan tỏa niềm đam mê đọc sách
Thu hút được sự tham gia của rất nhiều học sinh, sinh viên, tuy nhiên, cơ cấu giải thưởng của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 còn hạn chế dù hiện nay đã được nâng lên thành 251 giải, do đó, nhiều bài dự thi dù chất lượng tốt, gây xúc động mạnh nhưng vẫn phải loại ra. Đây là điều mà Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cảm thấy tiếc nuối.
Bà Ngà bày tỏ mong muốn cuộc thi nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ các cấp, các ngành và xã hội để cuộc thi được lan tỏa mạnh mẽ thêm nữa, góp phần đẩy mạnh phong trào đọc trong học sinh, sinh viên bởi không có gì chân thực và hiệu quả hơn tiếng nói từ chính các em về việc đọc của mình.
Mới đây, tại buổi họp của Ban tổ chức cuộc thi, một số đơn vị như NXB Văn học, Alpha Books... cho biết, sẽ trao tặng giải riêng cho một số bài dự thi có chất lượng tốt. Giải thưởng tuy không có giá trị vật chất cao nhưng mang lại giá trị tinh thần không thể đong đếm. Đó là sự ghi nhận, sự cổ vũ, tạo động lực để các em tiếp tục là các đại sứ văn hóa đọc ở từng địa phương, từng nhà trường, từng gia đình, nơi các em sinh sống, học tập và vui chơi.
Được biết, cùng với việc trao giải thưởng, Ban tổ chức cuộc thi dự kiến tuyển chọn những bài dự thi hay để xuất bản thành sách, qua đó tiếp tục lan tỏa tinh thần cổ vũ văn hóa đọc ngay cả khi cuộc thi đã kết thúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.