Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng cho nông nghiệp: Khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà

Ngọc Quỳnh| 04/04/2016 06:39

(HNM) - Chính phủ đã có nhiều chính sách cho vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận. Nguyên nhân chính là thủ tục rườm rà, các ngân hàng khi cho vay đòi hỏi phải có tài sản bảo đảm thế chấp...


Hai bên chưa gặp nhau

Theo ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), ngành Nông nghiệp có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 17,4% trong GDP, nhưng thu hút trên 50% lực lượng lao động cả nước. Ngân hàng Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho nông dân. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn tính đến ngày 31-12-2015 đạt 843.795 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với ngành Nông nghiệp không lớn so với các ngành khác vì món vay nhỏ, trong đó 83% là vay ngắn hạn. Tuy nhiên, có đến 60-70% nông dân được hỏi cho biết vẫn khó tiếp cận với các nguồn vốn vay tín dụng. Lý giải về chuyện này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện các ngân hàng không thiếu tiền cho nông dân vay để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng phải có phương án kinh doanh khả thi vì cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao. "Ngoài ra, đã có tình trạng nông dân vay vốn để mua sắm trang thiết bị, song nhận được tiền là mua xe máy hoặc các thiết bị gia dụng khác dẫn tới nợ xấu nên ngân hàng phải siết chặt nguồn vốn cho vay" - ông Lâm cho hay.

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, năm 2015 có gần 50% số người được hỏi cho biết được tiếp cận với vốn vay tín dụng; 65% doanh nghiệp nông nghiệp nói thiếu vốn; 40% nông dân đề nghị ngân hàng cần giảm các thủ tục; 76% phàn nàn các thủ tục ngân hàng quá rườm rà. Thực tế, nông dân rất cần vốn nhưng hai bên không gặp nhau là do thủ tục phức tạp, vướng mắc liên quan đến tài sản thế chấp. Để đầu tư nhà kính cho nông nghiệp công nghệ cao, nông dân phải mất từ 1,7 đến 2,2 tỷ đồng/ha, nếu nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới tiêu kinh phí lên tới 1 triệu USD/ha. Nhưng khi vay ngân hàng chỉ định giá bằng 20-25% giá trị thực tài sản, nên khó vay vốn. Ông Nguyễn Văn Dũng (Ba Vì) cho biết, gia đình muốn mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi bò sữa nhưng khi làm thủ tục vay thì "choáng" bởi các yêu cầu của ngân hàng, từ phương án kinh doanh có khả thi, đến tài sản thế chấp, khả năng trả nợ... Mặc dù đầu tư trang trại hết vài trăm triệu đồng, nhưng ngân hàng định giá lại chỉ bằng 20% giá trị thực, nên không đủ điều kiện để vay.

Nông dân gặp khó khăn do các thủ tục vay vốn rườm rà cũng như việc định giá tài sản thế chấp quá thấp của ngân hàng. Ảnh: Bá Hoạt


Rà soát, đơn giản hóa thủ tục

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước sức ép cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư cho nông nghiệp khá rủi ro, nông dân chưa có định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao. Vì vậy, các ngân hàng cần hướng dẫn các đối tượng vay, lập các dự án phát triển kinh tế lớn, bền vững. Chính phủ đã có những chính sách điều chỉnh trong việc cho nông dân vay vốn, nhưng vấn đề bảo lãnh và các thủ tục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như đòi hỏi đơn giản hóa các thủ tục, đặc biệt là trong cho vay không có thế chấp bằng tài sản đối với hộ nông dân theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai. Khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường thiếu tự tin khi giao dịch, cán bộ ngân hàng phải nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời để họ sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Thực tế, việc tiếp nhận thông tin về các chính sách cho vay của Chính phủ với nông dân còn hạn chế. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần tăng cường phối hợp với ngân hàng tổ chức các hội nghị, hội thảo, cung cấp đầy đủ thông tin cho nông dân. Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai) cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi để các hộ nông dân đủ điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng. Còn Chủ tịch Viện Hàn lâm Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng nhận định, cần sửa đổi các chính sách cho vay hiện nay để phù hợp với thực tiễn. Nông dân thường vay những món nhỏ nên cần quy định khoản vay giá trị bao nhiêu không cần tài sản thế chấp. Các ngân hàng địa phương cần tạo mọi điều kiện về thủ tục, hướng dẫn nông dân để họ nắm bắt được chủ trương của Nhà nước và các quy định tổ chức tín dụng để tiếp cận được nguồn vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng cho nông nghiệp: Khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.