(HNM) - Nghệ thuật sắp đặt là gì? Công chúng liệu có mặn mà với loại hình nghệ thuật mới mẻ này không? Triển lãm
Hơn 10 năm trước, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, triển lãm cá nhân về nghệ thuật sắp đặt với chủ đề "Quá khứ trong hiện tại" của họa sĩ Đặng Thị Khuê khiến nhiều người bất ngờ. Sự lạ lẫm khi tiếp cận loại hình nghệ thuật mới này đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự thích thú khi thưởng lãm các tác phẩm của bà. Lý giải cho sự lựa chọn mà mình đã và đang dấn thân, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng: Nghệ thuật sắp đặt, đó là ngôn ngữ của thời đại ta đang sống, có khả năng biểu đạt mọi khía cạnh của đời sống con người…
Một tác phẩm của nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
Với một người mà cảm xúc thị giác luôn tràn đầy và vốn sống ăm ắp như họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật sắp đặt chính là chiếc chìa khóa để bà có thể giải mã các thông điệp về nghệ thuật. Và cuộc triển lãm cá nhân lần này cũng không nằm ngoài ước muốn ấy. 7 tác phẩm trong "Nhận diện và kết nối" dường như là cuộc chạy tiếp sức của họa sĩ trong hành trình trở về với quá khứ, với những di sản văn hóa của ông cha. Chỉ là hình ảnh bàn tay được gắn kết với nhạc khí - qua những trống, phách, đàn trong tư thế diễn xướng điển hình, đặt trên nền âm thanh xưa (tác phẩm "Tri âm") cũng đủ gợi nhớ về dĩ vãng huy hoàng hàng trăm năm trước của nghệ thuật ca trù. Chỉ là một góc nhỏ không gian sống của người Mông với sản phẩm chế tác từ lanh sợi và những đôi bàn tay đang in, phơi, nhuộm chàm (tác phẩm "Ngôn ngữ"), tác giả đã giúp người xem cảm nhận rõ yếu tố thẩm mỹ trong văn hóa của người Mông. Chỉ là chiếc thang tre quen thuộc được "lạ hóa" bởi màu sắc, cạnh đó là những đôi bàn chân, bàn tay cũng đã đủ kích thích người xem nỗ lực tìm kiếm những ý niệm ẩn trong hiện vật... "Dấu ấn", "Cá thể và cộng đồng" là hai tác phẩm sắp đặt gây nhiều ấn tượng. Bằng việc thu nhỏ các họa tiết cổ từ hoa văn trống đồng đến các chạm khắc trong kiến trúc cổ Việt Nam để công chúng có thể tiếp cận, Đặng Thị Khuê đã nối dài cảm xúc của người xem về lịch sử, văn hóa cội nguồn.
Nghệ sĩ Đàm Quang Minh (nhóm ca trù của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức) nói rằng: "Chỉ nhìn khối chất liệu mà họa sĩ Đặng Thị Khuê đã bỏ công sức để đục, đẽo, nhào nặn, pha chế cũng đã thấy nể phục". Và, câu hỏi tại sao một người phụ nữ lớn tuổi lại khổ công làm một khối lượng công việc đồ sộ như vậy, cũng đã được chính anh đưa ra lời giải: "Hình như, ở đây, nữ họa sĩ muốn làm một việc giống như trả nợ đời, trả nợ văn hóa Việt…". Và, hơn cả, có lẽ đó còn là sự trải lòng của người nghệ sĩ.
Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, trước câu hỏi của người quan tâm, bà dí dỏm nói rằng: "Tôi đang nấu một bữa cỗ và muốn cho tất cả mọi người được thưởng thức món ăn của mình". Bữa cỗ tinh thần ấy được nghệ sĩ thể hiện với mong muốn kiếm tìm sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa đời sống và nghệ thuật. Đó còn là cơ hội để người yêu nghệ thuật ít nhiều thấy mình trong đó, để cùng hướng về những giá trị chân, thiện, mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.