(HNM) - Đang là thời điểm giới đầu tư bất động sản kêu
Mới đây, Bộ Xây dựng đã lên tiếng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có sự linh hoạt trong chương trình cho vay vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản cầm cự. Song đề xuất này ngay lập tức gặp phải sự phản đối gay gắt của không ít người.
Với nhiều cán bộ, công chức thì thị trường bất động sản tuột dốc là một "điềm lành" để có một thị trường ổn định, bền vững về sau. Ý nghĩ đó xuất phát từ thực tế nhiều năm qua thị trường này vốn có quá nhiều điều không minh bạch, giá cả hàng hóa quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Hầu như dự án nào cũng có sự tham gia của giới đầu cơ, lướt sóng do chạy được suất ngoại giao, mối quan hệ với nhà đầu tư hoặc đơn giản chỉ là lắm tiền, nhiều vốn. Khi rót tiền vào bất động sản, phần lớn trong họ đều mang một tâm lý chung là nhà đất luôn nằm trong xu hướng tăng giá, nên chuyện lãi dăm bảy trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng với mỗi căn hộ/mảnh đất là chuyện nằm trong tầm tay.
Hiện nay giá bán mới chỉ giảm dần, chưa tiệm cận với khung giá được nêu trong hợp đồng mua bán gốc, đồng nghĩa với nạn đầu cơ, thổi giá còn tồn tại. Đơn cử, giá nhà chung cư Khu đô thị Yên Hòa hay Chelsea Park (quận Cầu Giấy) rao bán trên Báo Mua và bán lần lượt là 40 triệu đồng/m2; 42 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá gốc chỉ 15-18 triệu/m2.
Do đó, cho dù các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang hùa nhau kêu khó nhưng thực chất họ vẫn sống khỏe và vẫn có lãi lớn từ các dự án. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, tình trạng "ngủ đông" của bất động sản nếu có kéo dài một, hai năm cũng không ảnh hưởng nhiều đến các "đại gia". Lãi suất ngân hàng cao, họ không dại gì đi vay để rồi phải chia sẻ nguồn lợi nhuận của mình với ngân hàng mà thay vào đó là "án binh bất động".
Vì vậy, việc Bộ Xây dựng thay mặt cho các doanh nghiệp bất động sản "cầu cứu" ngân hàng "cần có sự linh hoạt trong chương trình cho vay vốn" là đi ngược với lợi ích của số đông người dân, những người đang có nhu cầu về nhà ở thực sự.
Để cứu thị trường không thể áp dụng cách "đổ thêm dầu vào lửa" là nới lỏng tín dụng dễ dãi mà phải tiến hành song song hai việc, chống đầu cơ và hướng luồng tín dụng đến đúng người có nhu cầu mua nhà để ở giúp họ tăng khả năng thanh toán. Có như vậy, bất động sản mới trở về đúng giá thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.