Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lại giá trị thực của lễ hội

Minh Ngọc| 05/02/2012 06:50

(HNM) - Mỗi mùa xuân đến, công tác quản lý lễ hội lại được xếp vào danh sách nhiệm vụ

Rất đông du khách thập phương về dự lễ hội chùa Hương. Ảnh: Thái Hiền


Quá tải…

Đến lễ hội chùa Hương (Hà Nội) Xuân Nhâm Thìn, một trong những lễ hội lớn, kéo dài, đẹp và ý nghĩa bậc nhất cả nước chẳng còn mấy người tìm hiểu giá trị đích thực của nó mà đơn giản là đi lễ xin lộc đầu năm. Người ta còn truyền tai nhau rằng, đi lễ chùa Hương ba năm liên tục cầu gì sẽ được đó. Bởi thế mà suốt ba tháng xuân hội, chốn Nam Thiên đệ nhất động luôn trong tình trạng quá tải người, quá tải rác thải, quá tải hàng quán, dịch vụ, quá tải tiền lễ…

Tương tự, dòng người leo lên chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) cúng bái, xin lộc được liên tưởng như một cuộc leo núi nguy hiểm. Khi đến nơi, người ta chen nhau thắp nhang, khấn vái, xoa tiền lẻ vào cột chùa, vào khánh, vào chuông để mong được may mắn, chẳng còn ai tĩnh tâm nhớ tới tinh thần "cư trần lạc đạo"; "Phật tại tâm" của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Cũng vì niềm tin đi lễ hội đền Trần (Nam Định) xin được lộc ấn thì sẽ thăng quan tiến chức nên một lễ hội làng bỗng được "nâng tầm" thành lễ hội cấp quốc gia…

Dành nhiều năm nghiên cứu về lễ hội, GS Trần Lâm Biền lý giải: "Hội là sự tập hợp một cộng đồng người nhất định, để thực hiện một số điều về lễ. Cúng bái chỉ là nghi thức trong mỗi ứng xử với thần linh, còn lễ hội được thực hiện ở không gian thiêng và thời gian thiêng đã được cư dân chọn lựa một cách cẩn thận. Người ta thực hiện lễ hội là cách ứng xử văn hóa đối với thần linh, cộng đồng, họ hàng và với chính mình. Sâu xa hơn, lễ hội nhằm kéo con người ra khỏi tính cá nhân chủ nghĩa, từ đó nghĩ đến cộng đồng, tìm được vinh quang trong sự đóng góp cho cộng đồng. Ngày trước con người đến lễ hội để hòa nhập cộng đồng, nay đến chỉ cầu xin cho chính mình".

Hội chứng kỷ lục

Đền Trần nằm trên địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) được biết đến là nơi phát tích của nhà Trần sau bao nhiêu năm là không gian thiêng tĩnh lặng, là điểm đến bái yết tổ tiên của nhiều con dân khắp mọi miền đất nước bỗng được quảng bá rầm rộ trong ba năm trở lại đây bằng cách đưa lễ hội hoành tráng vào đền Trần. Mặc dù ông Vũ Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà khẳng định, việc huyện đứng ra tổ chức lễ hội ở đền Trần nhằm mục đích tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của nhà Trần, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn; đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện, không có lễ phát ấn, phát lương nhưng dư luận vẫn băn khoăn cho rằng tỉnh Thái Bình đang cạnh tranh "thương hiệu" với lễ hội cùng tên ở Nam Định. Khách quan mà nói, sự băn khoăn trên không phải là không có cơ sở, bởi lễ hội đền Trần (Thái Bình) Xuân Nhâm Thìn diễn ra từ ngày 4 đến 8-2 (13-17 tháng Giêng) với quy mô lớn hơn, nhiều hoạt động hơn, quảng bá rầm rộ hơn trong khi Bộ VH,TT&DL và chính quyền tỉnh Nam Định đang tìm mọi cách "giải thiêng" lá ấn đền Trần ở Nam Định nhằm từng bước trả lễ hội về giá trị thực của nó.


Kỷ lục Guinness Việt Nam “Hội có nhiều người mặc trang phục Quan họ nhiều nhất” và “Hội có nhiều người cùng hát một bài dân ca Quan họ nhiều nhất” đã được xác lập tại hội Lim sáng 4-2.

Cũng vì mong muốn Quan họ sau khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại phải được quảng bá rộng hơn, phải có "thương hiệu" hơn, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư để xây dựng kỷ lục mới cho hội Lim với 2012 người mặc trang phục truyền thống và hát quan họ Bắc Ninh. Hiệu quả của màn kỷ lục này có lẽ chỉ là dòng ghi nhận kỷ lục trong cuốn Guinness Việt Nam, còn phần đông người dự hội đều lên án. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nói: "Đây lại là trò chơi nữa của đám đông. Không thể biến văn hóa thành cuộc chơi mang tính chạy đua kiểu thể thao như vậy. Giá trị của hội Lim nằm ở những giá trị tinh thần sâu xa đáng trân trọng chứ không phải ở những kỷ lục được đo bằng những con số".

Làm gì để trả lại giá trị của lễ hội?

Mặt trái của lễ hội đầu xuân lâu nay được nhìn nhận như "bệnh nan y" không có thuốc chữa, song, dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thì "bệnh nan y" trên có thể chữa được một cách dễ dàng nếu cả chính quyền và người dân cùng vào cuộc.

Theo GS Trần Lâm Biền, để khắc phục lệch lạc, hạn chế trong lễ hội phải bắt đầu từ nhận thức của người đi lễ bởi sự cầu lợi chính là nền tảng của mê tín dị đoan. Nhận thức rằng, việc đi lễ nhiều, hết chùa này đền khác, đi đền chùa nhiều kiểu chạy sô, càng đi nhiều và càng lễ vật mâm cao cỗ đầy càng đắc lợi là không đúng. Mỗi người cần trước hết tin vào "ngôi chùa" ở ngay trong tâm hồn mình, đi lễ hội là để xác nhận mình trong không gian tâm linh trời đất, trong cộng đồng.

Đồng quan điểm này, người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL Tô Văn Động nhấn mạnh đến giải pháp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cộng đồng và xử lý nghiêm những vi phạm của địa phương, tổ chức hay cá nhân tại các lễ hội. "Theo quan điểm của cá nhân tôi, tuyên truyền giáo dục vẫn là giải pháp cơ bản nhất, tổ chức có tốt đến mấy, chế tài có nghiêm đến mấy mà bản thân người tham gia lễ hội chẳng biết vì sao mình tham gia, không biết lễ hội này có ý nghĩa gì, đi về không thấy thêm được chút kiến thức nào hoặc không cảm thấy thanh thản thì mục đích sâu xa của lễ hội coi như thất bại"- ông Động nói.

Riêng đối với lễ hội đền Trần (Nam Định), PGS, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng: "Giải pháp quan trọng nhất là lãnh đạo phải gương mẫu, vài năm liền không tham gia vào lễ khai ấn, ấn sẽ trở nên bớt thiêng".

"Tháng ăn chơi" đã ngày càng trở thành vấn nạn của xã hội, hệ lụy của nó không chỉ có tắc đường, chen lấn, xô đẩy, mà còn là sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, làm biến tướng các giá trị văn hóa. Và đã đến lúc cần phải quyết liệt chấn chỉnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại giá trị thực của lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.