Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm kiếm và tôn vinh những tượng đài nghệ thuật

Nguyễn Hiền| 28/06/2019 09:53

(HNMCT) - Là đề tài lớn nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại với số tác giả tham gia sáng tác đông đảo, số tác phẩm vô cùng lớn, nên việc tìm kiếm và tôn vinh các tác phẩm đỉnh cao về đề tài cách mạng nhiều năm qua vẫn là hành trình đầy trăn trở của cả giới văn nghệ sĩ và công chúng.

Vở Sống mãi với Thủ đô của Nhà hát Kịch Hà Nội.


Đó cũng là lý do mà mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc bình chọn các tác phẩm kịch bản văn học đã được dàn dựng, công diễn trên sân khấu trong và ngoài nước về đề tài cách mạng, để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng.

Cơ hội để nhìn lại

Cuộc bình chọn do Cục Nghệ thuật biểu diễn lần đầu tổ chức, tuy diễn ra trong thời gian không dài, chỉ nhận tác phẩm đến hết tháng 8-2019, nhưng được coi là một cuộc “kiểm kho” ở hầu hết thể loại sân khấu - từ kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, ca kịch đến bài chòi, ví dặm... trên phạm vi cả nước - để tìm ra kịch bản văn học xuất sắc nhất về đề tài cách mạng. Đó phải là những tác phẩm phản ánh sinh động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và hành trình 65 năm chiến thắng, xây dựng và phát triển của Điện Biên hôm nay; cuộc chiến tranh cách mạng gắn liền với Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước 75 năm qua (1944 - 2019).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành từng viết: “Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã làm thay đổi tận gốc rễ mọi phương diện từ sinh hoạt vật chất đến đời sống kinh tế chính trị, đến văn hóa xã hội trong đó có cả lĩnh vực quan trọng không thể không kể đến là nghệ thuật sân khấu. Có thể nói trên cơ sở một ý thức mới về lẽ sống, về độc lập tự do, về quyền làm người đã hình thành một nền sân khấu Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc khác biệt về chất so với những giai đoạn trước đó trong lịch sử lâu dài của sân khấu Việt Nam trong quá khứ”. Như vậy có thể nói cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc đã sản sinh ra sân khấu cách mạng Việt Nam và cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác, sân khấu cách mạng lại góp phần đắc lực vào thành công của cách mạng Việt Nam.

Hiện thực của cuộc kháng chiến đã mang lại nguồn cảm hứng lớn cho rất nhiều nhà văn, nhà biên kịch để họ cho ra đời những kịch bản văn học xuất sắc - yếu tố quan trọng nhất, là thành phần đầu tiên, căn cốt để làm nên chỉnh thể nghệ thuật của tác phẩm sân khấu. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, có rất nhiều tác phẩm đã ra đời và được xếp vào hàng kinh điển ở cả kịch bản văn học và sức hấp dẫn khi được dàn dựng trên sân khấu mà khó có thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo.

Có rất nhiều tên tuổi những nhà văn, nhà viết kịch lớn đã thành danh ở mảng đề tài này như Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ, Lưu Hà, Học Phi, Lộng Chương, Nguyễn Đình Thi... Ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ chọn và tôn vinh được kịch bản văn học đã được dàn dựng, công diễn xuất sắc, có giá trị. Đây như một cuộc kiểm kê và đánh giá lại những kịch bản văn học hay về chiến sĩ, quân đội để giáo dục với thế hệ trẻ về công lao đóng góp của những người đã làm nên chiến thắng của dân tộc”.

Động viên những tác giả trẻ


Đánh giá về đề tài cách mạng, nhà văn Chu Lai cho rằng: Chiến tranh cách mạng là siêu đề tài, càng cày xới càng màu mỡ. Người chiến sĩ là siêu nhân vật, càng đóng khuôn càng không thấy bến bờ... Tuy nhiên, một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận, đó là sự thiếu hụt những tác phẩm có cách tiếp cận mới mẻ, đủ sức hấp dẫn khán giả sân khấu hôm nay ở mảng đề tài này. Chính vì vậy, không chỉ mang ý nghĩa tiếp tục vinh danh những “tượng đài” nghệ thuật của sân khấu cách mạng, cuộc bình chọn này còn hy vọng sẽ tạo ra một động lực mới để các tác giả trẻ tiếp tục dấn thân vào mảng đề tài này. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, sự kiện này sẽ góp phần cổ vũ, khuyến khích, động viên các tác giả trẻ đóng góp thêm những tác phẩm mới cho đề tài cách mạng.

Việc bình chọn thể hiện sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam... nhằm tháo gỡ bài toán thiếu kịch bản văn học hay cho nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, với những tác phẩm được vinh danh, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ có hướng cho dựng lại trên cơ sở làm mới tác phẩm. “Khi bình chọn được những kịch bản văn học hay chúng ta có thể làm mới tác phẩm bằng cách phối hợp với các nhà hát xây dựng một kế hoạch quảng bá để làm mới các vở diễn phù hợp với nhu cầu thưởng thức đương đại. Đồng thời khơi dậy, đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh, sáng tác kịch bản văn học cũng như thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong giai đoạn hiện nay", ông Trần Hướng Dương chia sẻ thêm.

Diễn ra trên quy mô toàn quốc, ở nhiều loại hình sân khấu, với sự tham gia bình chọn của các nhà chuyên môn, Cuộc bình chọn kịch bản văn học kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam dự kiến tổng kết và trao giải vào cuối tháng 12-2019. Ban tổ chức sẽ trao các giải A, B, C cho 15 tác phẩm kịch bản xuất sắc chung cho cả hai đề tài và tất cả các thể loại. Hy vọng với lần “kiểm kho” lớn lần này và với sự tôn vinh xứng đáng, chúng ta không chỉ khẳng định thêm một lần nữa sức sống vượt thời gian của những kịch bản văn học về đề tài cách mạng mà còn thôi thúc các tác giả tiếp tục "cày sâu cuốc bẫm" trên mảnh đất nghệ thuật màu mỡ này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm và tôn vinh những tượng đài nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.