(HNM) - Sau nhiều ngày xung đột, ngày 14-7, phong trào Hồi giáo Hamas và Jihad của Palestine cho biết đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Israel thông qua sự dàn xếp của nước láng giềng Ai Cập, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Israel khẳng định sẽ tăng cường độ tấn công nhằm vào Hamas nếu cần thiết. |
Thỏa thuận ngừng bắn là kết quả của cuộc gặp tại Cairo giữa đoàn đại biểu cấp cao Hamas với các quan chức tình báo Ai Cập. Động thái này được kỳ vọng sẽ chấm dứt những xung đột vũ trang căng thẳng đang biến Dải Gaza thành "chảo lửa" thời gian qua.
Tại cuộc gặp, phía Ai Cập cho biết rất thấu hiểu mong muốn của người dân sinh sống tại Dải Gaza, đồng thời cam kết theo đuổi nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến giữa Israel và các lực lượng vũ trang Palestine.
Trước thông tin về lệnh ngừng bắn, phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đưa ra bình luận nào, trong khi một quan chức quân đội nước này nói rằng "chỉ có tình hình trên thực địa mới quyết định những hành động tiếp theo".
Theo đánh giá của giới phân tích, những tuyên bố có phần trái chiều giữa Israel và Palestine cho thấy, thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza chưa thể xoa dịu tình trạng bạo lực vốn là “cơn sóng ngầm” có thể bùng phát dữ dội trở lại bất cứ lúc nào. Chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng, bạo lực tại Dải Gaza đã thực sự lắng dịu.
Quả nhiên, thực tế diễn ra đúng như dư luận lo ngại. Chỉ vài giờ sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, quân đội Israel tuyên bố có hai quả đạn cối được phóng từ Dải Gaza, rơi vào một cánh đồng trên lãnh thổ Israel. Sáng 15-7, các kênh truyền thông đồng loạt đưa tin, máy bay chiến đấu Israel tiếp tục oanh tạc các mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, nhằm đáp trả loạt vụ tấn công bằng đạn cối từ phía Palestine.
Thậm chí, Thủ tướng Israel còn khẳng định, đây là "đòn tấn công mạnh nhất" nhằm vào Hamas kể từ Chiến dịch Vành đai bảo vệ trong cuộc chiến tại Dải Gaza năm 2014, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường độ nếu thấy cần thiết. Về phần mình, Hamas tiếp tục nã rocket vào lãnh thổ Israel, khiến người dân nước này phải tìm nơi trú ẩn.
Diễn biến phức tạp đã khiến quốc tế tỏ ra lo lắng về khả năng bùng phát một cuộc chiến trên diện rộng. Tại cuộc hội đàm mới đây với Tổng thống Palestine M.Abbas ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ D.Trump về cuộc xung đột và thừa nhận tình hình thực tế vẫn rất xấu.
Trong khi đó, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Israel E.Giaufret kêu gọi các bên giữ bình tĩnh, đồng thời bày tỏ lo ngại trước khả năng căng thẳng tiếp tục leo thang. Bản thân Ai Cập cũng đưa ra cảnh báo đối với Hamas về việc xung đột kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực quốc tế trong cải thiện cuộc sống cho người dân Palestine tại Dải Gaza.
Theo Bộ trưởng Quan hệ chiến lược Israel Y.Steinitz, Tel Aviv không theo đuổi xung đột vũ trang với Hamas, nhưng sẽ không ngần ngại dùng vũ lực để triệt hạ lực lượng này nếu có nguy cơ chiến tranh. Về phần mình, cả Hamas và Jihad đều bày tỏ quan điểm không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với Israel, nhưng tuyên bố sẽ làm tất cả để bảo vệ người dân Palestine khỏi những hành vi bạo lực của Tel Aviv. Trong đó phải kể đến các cấm vận vô lý gần đây, nhất là việc đóng cửa khẩu Kerem Shalom (cửa khẩu thương mại duy nhất giữa Israel và Gaza).
Những xung đột kéo dài đã và đang gây ra nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân tại Dải Gaza. Theo các nhà phân tích, để giải quyết dứt điểm những xung đột tại đây cần phải có một sự đồng thuận bền vững. Đó là những nỗ lực từ hai phía trong từng bước đi cụ thể, thông qua vai trò trung gian hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Thực tế, điều này cũng đã từng xảy ra vào năm 2014, khi Ai Cập với vai trò là "trung gian hòa giải" đã tạo được bầu không khí hòa bình, mở đường cho những đàm phán giữa Palestine và Israel.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.