Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp xuất khẩu thịt lợn

Bạch Thanh| 30/10/2017 06:07

(HNM) - Xuất khẩu thịt lợn hiện là bài toán khó đối với ngành chăn nuôi của nước ta, vì sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và hàng rào kỹ thuật của đối tác. Tuy nhiên, việc nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu vẫn đang được các ngành chức năng phối hợp thực hiện...


Nhiều thị trường tiềm năng

Trong bối cảnh chăn nuôi lợn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lượng tồn trong các trang trại lớn, giá thấp, nhiều nơi chỉ còn 26.000 đồng/kg và phổ biến ở mức 30.000 đồng/kg... khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Trước tình hình đó, mới đây, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, chủ trang trại, các tham tán nông nghiệp Việt Nam ở nước ngoài…

Việc nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu đang được các ngành chức năng phối hợp thực hiện.
Ảnh: Linh Ngọc


Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) cho hay: Trong đợt “khủng hoảng thừa” lợn thịt vừa qua, quy mô của hợp tác xã không thể giảm mà còn tăng do “gánh” thêm phần chăn nuôi của các trang trại nhỏ (trước đây chăn nuôi gia công cho hợp tác xã, nay không còn khả năng sản xuất). Hiện quy mô hợp tác xã đã lên tới 3.000 lợn nái (trong khi cùng kỳ năm trước là 2.600 con; quy mô lợn thịt cũng tăng từ 16.000 con lên 22.000 con). Đối mặt với khó khăn, hợp tác xã đã phải tự tìm đường xuất khẩu sang Lào với hình thức bán lợn choai kèm thức ăn chăn nuôi, vật tư…

Chia sẻ kinh nghiệm, chủ một trang trại chăn nuôi lớn đến từ Đồng Nai gợi ý: Philippines là đất nước có 95 triệu dân nhưng đàn lợn của họ chỉ có 12 triệu con, năm nào cũng phải nhập khẩu thịt lợn bổ sung. Nếu địa phương chưa có lò mổ hiện đại cấp đông đạt tiêu chuẩn thì vẫn có thể bán lợn hơi theo cách thức vận chuyển bằng tàu thủy (chỉ 2-3 ngày là tới nơi). Phương thức thanh toán có thể linh hoạt với chính sách bán trả chậm, hàng đổi hàng hoặc theo cách thức phù hợp từng tình huống... nhằm giải quyết số lợn thịt đang tồn đọng.

Một cơ hội nữa được gợi mở, đó là thị trường Hàn Quốc. Theo ông Lee Jong Beom, Giám đốc điều hành Tập đoàn Daewon Machinery Hàn Quốc, chuyên sản xuất thiết bị giết mổ, chế biến thịt tự động: Tại Hàn Quốc, thịt lợn được tiêu dùng nhiều nhất và đang phải nhập khẩu thịt lợn với giá trị nhập khẩu lên tới 5,8 tỷ USD (năm 2016). Nếu Việt Nam đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Hàn Quốc, thì đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng bộ các giải pháp

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn tới các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... bởi các quốc gia này có vị trí địa lý gần Việt Nam và nhu cầu tiêu dùng đứng trong nhóm nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu 2,2 triệu tấn thịt lợn mỗi năm; Nhật Bản 1,3 triệu tấn; Hàn Quốc gần 1 triệu tấn... Ngoài ra, các nước như Philippines, Lào, Campuchia... cũng là những thị trường tiềm năng cho sản phẩm thịt lợn của Việt Nam.

Nói về giải pháp, theo ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Biển Đông, chuyên kinh doanh chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt đánh giá: Để thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn đi các nước, cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường cấp nhà nước cho các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần thống nhất tập hợp thông tin quy định về quản lý kỹ thuật, thương mại... với các cơ quan quản lý nước nhập khẩu và phổ biến kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu; chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường thế giới và tăng cường vai trò của cơ quan đại diện thương mại trong các hoạt động giao thương.

Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Dự kiến, cuối năm 2020, xây dựng một số chuỗi sản xuất thịt lợn xuất sang Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu… Tuy nhiên, trước mắt, để tiêu thụ đàn lợn tồn đọng, có thể tận dụng đường tiểu ngạch. Còn về lâu dài, các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, bởi việc xuất khẩu hàng tươi sống khó đáp ứng yêu cầu khắt khe các nước nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chúng ta cần thực hiện song song nhiều giải pháp căn bản. Đó là, cần tiến hành rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích các chuỗi liên kết; hỗ trợ, thu hút đầu tư, kết nối thị trường bao tiêu sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp xuất khẩu thịt lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.