Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp tăng hiệu quả vốn đầu tư công

Nguyễn Lê| 27/11/2017 06:58

(HNM) - Năm 2018, nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, song TP Hồ Chí Minh chỉ có thể cân đối bố trí vốn ngân sách thành phố khoảng 27.660 tỷ đồng.


Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội ước thực hiện 370.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đối với nguồn vốn ngân sách thành phố, năm 2017, ước thực hiện khoảng 24.140 tỷ đồng, đạt 96% chỉ tiêu mà HĐND thành phố giao. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 65 công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng công suất phục vụ cho các ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong lĩnh vực đầu tư công, năm 2017 TP Hồ Chí Minh cũng còn không ít hạn chế. Nhiều dự án thực hiện chậm, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư, gây khó khăn cho công tác giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là vốn ODA.

Trong năm 2018, để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 8,4% đến 8,5%, TP Hồ Chí Minh cần huy động 35% GRDP cho đầu tư phát triển. Theo đó, nhu cầu huy động vốn đầu tư xã hội khoảng 418.000 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách thành phố, dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách có thể bố trí cho kế hoạch đầu tư công năm 2018 là 31.367 tỷ đồng.

Nguồn vốn này tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như: Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố khoảng 3.706 tỷ đồng (chiếm 11,8%); Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông khoảng 11.808 tỷ đồng (chiếm 37,6%); Chương trình giảm ngập nước khoảng 3.261 tỷ đồng (chiếm 10,4%); Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị khoảng 2.472 tỷ đồng (chiếm 7,9%)…

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở vừa có tờ trình về kế hoạch đầu tư công năm 2018. Theo đó, để thống nhất nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2018, ngành tài chính thành phố thống nhất dự kiến vốn đầu tư trong cân đối ngân sách thành phố năm 2018 là 27.660 tỷ đồng (tăng 10% so với kế hoạch năm 2017), trong đó có bao gồm vốn ODA thành phố vay lại của Chính phủ hơn 4.884 tỷ đồng.

Theo các ngành chức năng, trước nhu cầu đầu tư rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong khi nguồn vốn đầu tư công có hạn, cần phải có giải pháp quản lý chặt chẽ, tăng tính hiệu quả của nguồn vốn này. Để đạt được mục tiêu trên, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã đề xuất hai phương án thực hiện. Phương án thứ nhất là căn cứ vào thông báo chỉ tiêu kế hoạch đầu tư của các bộ, ngành trung ương, thành phố giao kế hoạch phù hợp với số liệu hướng dẫn; phương án thứ hai là trên cơ sở chủ động của cấp ngân sách, khả năng nguồn thu trong năm, thành phố bố trí kế hoạch thành nhiều đợt, linh động. Trong hai phương án trên, theo các chuyên gia, phương án thứ hai khả thi hơn. Bởi việc giao kế hoạch vốn sẽ phù hợp với nguồn thu, không tạo áp lực lớn cho ngân sách trong khi vẫn bảo đảm chi cho các nhiệm vụ ưu tiên, đồng thời phù hợp với tiến độ thực hiện của dự án.

Tuy nhiên, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, số liệu giao kế hoạch vốn theo phương án hai có sự khác biệt với số liệu của bộ, ngành trung ương. Đồng thời, khi đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư cũng có sự khác biệt so với đánh giá của bộ, ngành trung ương. Chính vì vậy, thành phố rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp tăng hiệu quả vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.