Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia

Đình Hiệp| 04/11/2022 15:16

(HNMO) - Ngày 4-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, các thành viên Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để triển khai hiệu quả công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) về việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, có 8 cơ sở dữ liệu, 5 cơ sở dữ liệu quốc gia, 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang kết nối hiệu quả. Mỗi ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối trung ương, địa phương và bộ, ngành với nhau. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở dữ liệu khác đã xây dựng nhưng chưa kết nối, chia sẻ; một số cơ sở thông tin đã xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện kết nối. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này nhằm thúc đẩy và bảo đảm kết nối.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) chất vấn.

Bộ trưởng cho rằng, về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đồng thời với môi trường số, cần phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính. Vì thế, Bộ đã ban hành công văn đối với lĩnh vực này, theo đó người dân đã khai báo thông tin một lần thì không cần khai báo thông tin lần hai ở các cơ quan hành chính để bảo đảm không phiền hà, đồng bộ với môi trường số. Hiện nay, hiệu quả kết nối cơ sở dữ liệu tương đối tốt. Tuy nhiên cần có “nhạc trưởng” cho việc liên kết dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành, vì thế, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn.

Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị nêu rõ những đề xuất với Chính phủ, địa phương để trang bị cơ sở, máy móc, thiết bị, hạ tầng kết nối dữ liệu trong tổ chức thực hiện khi ngày 1-1-2023 không sử dụng sổ hộ khẩu giấy.

Đối với nội dung này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và UBND của 15 địa phương. Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư còn gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều đơn vị chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin. Trong đó, có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ rà soát kết nối này để phục vụ người dân. Trong đó, 4 nguyên tắc để đảm bảo cơ sở dữ liệu đạt yêu cầu là “đúng, đủ, sạch và sống”; thiếu một trong số yếu tố này cũng không thực hiện được.

Về tài khoản định danh điện tử, năm 2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử và đưa vào hoạt động chính thức. Đây là bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức có định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 1-11-2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho người dân. Lợi ích đối với định danh điện tử là rất lớn, người dân dễ trao đổi thông tin, không phải cung cấp, điền nhiều khi làm việc với cơ quan nhà nước và chỉ kê khai một lần; bảo đảm “4 không” (không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt và không gặp gỡ). Hồ sơ này giúp đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công giúp nhanh chóng; sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm khi khám chữa bệnh; sử dụng định danh điện tử thay thế căn cước công dân để đăng ký xe máy, sử dụng thay thế cho các giấy tờ tương ứng...

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về dữ liệu dân cư, khi bỏ hộ khẩu giấy thì cần sự kết nối nhiều hơn. Do đó, khi chúng ta tiến hành công tác này thì Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an để vận hành tốt các cơ sở dữ liệu; bảo đảm thuận tiện cho người dân…

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trả lời đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) về đội ngũ công nghệ thông tin ở cấp xã, phường thị trấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, tỷ lệ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước của Việt Nam là 0,9%. Đây là con số đáng suy nghĩ, bởi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%. Đây là con số cần suy nghĩ nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, bởi phải coi lực lượng khoa học - công nghệ số là lực lượng sản xuất. Bộ trưởng cũng cho biết, trong tổng thể chung không thể đòi hỏi có cơ chế ưu đãi cho nhân lực riêng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo AI (trí tuệ nhân tạo) để đỡ 1 phần công việc của cán bộ thông tin, từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.