Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tồn tại yếu kém để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Đình Hiệp| 05/11/2022 17:37

(HNMO) - Chiều 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có báo cáo giải trình về 9 nhóm vấn đề và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hầu hết ý kiến đại biểu thống nhất với nội dung các báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao kết quả toàn diện trên các lĩnh vực trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, khắc phục tồn tại yếu kém để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo làm rõ và trả lời chất vấn của các đại biểu.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD

Về cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 10 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD. Cả nước có trên 178 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả. Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng, dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng, dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Vì thế, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Tăng cường phòng, chống buôn lậu, đầu cơ xăng, dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri. Số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vẫn còn 8,3% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% rất chậm. Vì thế, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Sau khi báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của các đại biểu tại hội trường. Trong đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và quan điểm của Đảng, Nhà nước về một số định hướng đối ngoại cơ bản để thống nhất phát ngôn và hành động.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) chất vấn.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì sự phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam thực hiện đường lối này với 3 trụ cột chính: Ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và thu được nhiều kết quả quan trọng, ứng phó linh hoạt với các sự kiện quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) nêu rõ, Quốc hội khóa XV đã quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm, nhiều nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Vậy nguyên nhân của việc chậm trễ trên cũng như giải pháp căn cơ để chỉ đạo các bộ, ngành sớm ổn định, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công?

Về cơ cấu tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang phấn đấu trong tháng 11-2022, hoàn thành các nghị định cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả đến nay, Chính phủ đã giảm được các cơ quan trung gian, tuy công tác này thực hiện chậm nhưng có hiệu quả rõ nét, cần tiếp tục thực hiện.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) về những kinh nghiệm rút ra từ đại dịch Covid-19 trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch “5K”. Với quan điểm chống dịch “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết” và “chống dịch từ sớm, từ xa”, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ thời gian tới cần tiếp tục tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm nhưng có thể thấy rõ điểm nhấn là tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 5-11.

Về vấn đề tinh gọn bộ máy ở chính quyền địa phương, Thủ tướng thông tin, công việc ở cơ sở vốn đã nhiều sẽ càng nhiều hơn khi có dịch bệnh. Vì vậy, phải thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, nhưng phải bảo đảm sát với tình hình thực tế. Theo Thủ tướng, chính sách hiện nay được thiết kế cho toàn hệ thống, chưa bảo đảm được tính đặc thù của chính quyền cơ sở ở nông thôn. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, bảo đảm dung hòa giữa điểm chung, điểm riêng, đặc thù vùng miền trong công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tồn tại yếu kém để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.