Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp để giảm số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể

Hương Thủy| 30/05/2019 09:55

(HNMO) - Trước việc số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động ở mức cao, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) đề nghị cần đánh giá, phân tích thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận).


Tại buổi thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội diễn ra sáng nay (30-5), đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) cho rằng, mặc dù thu ngân sách tăng nhưng chủ yếu thu từ tài nguyên, giá dầu tăng, từ đấu giá quyền sử dụng đất, cho thấy con số tăng trưởng không bền vững. Năm 2020, phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Theo tính toán, mỗi tháng phải tiết kiệm 21.000-28.000 tỷ đồng để trả nợ. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại thời gian qua tăng nhưng số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động vẫn rất lớn, chứng tỏ nền kinh tế năm 2019 còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, đại biểu này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét cụ thể những giải pháp thiết thực giải quyết những vấn đề trên.

Trong đó, về cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, những năm qua, Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, khoảng 30% điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ và sửa đổi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, tổ chức quốc tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế. Nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Nội dung và hiệu quả cắt giảm vẫn còn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại, điều kiện kinh doanh đang được ẩn dưới cụm từ “thực hiện theo quy định của bộ quản lý” hoặc nhập nhiều thủ tục, điều kiện vào một thủ tục hành chính.

Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam).

Với mục tiêu đến năm 2020 đạt khoảng 1 triệu doanh nghiệp sẽ khó khăn khi hộ kinh doanh cá thể không mặn mà thành lập doanh nghiệp bởi thủ tục phiền hà, phức tạp. Vì vậy, theo đại biểu, Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn về vấn đề này, trong đó chuyển mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn liền với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Năm 2019 giảm ít nhất 5% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời quyết liệt chỉ đạo bắt buộc các bộ, ngành phải kết nối qua cơ chế "một cửa" quốc gia.

Để đạt mục tiêu số doanh nghiệp vào năm 2020, đại biểu Trần Tất Thế cho rằng cần quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể vì đây là nguồn rất phong phú. Bên cạnh đó, cần đánh giá, phân tích thực trạng tình hình, nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao.


Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho rằng, một số văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa theo kịp cuộc sống, thời gian có hiệu lực của văn bản pháp luật ngắn. Nguyên nhân là do năng lực của cán bộ làm chính sách chưa tốt; vẫn còn cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản pháp luật.

Vì vậy, đại biểu Nhường đề nghị khi xây dựng văn bản pháp luật nên mời luật sư, đối tượng chịu sự tác động, cộng đồng doanh nghiệp… tham gia; bố trí cơ cấu lại bộ phận làm chính sách tách biệt với bộ phận thực thi chính sách; áp dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng chính sách pháp luật.

Theo đại biểu này, không chỉ áp dụng trí tuệ nhân tạo trong lập pháp mà còn nên áp dụng trong cả hành pháp và tư pháp.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp để giảm số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.