Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp cho những bất đồng

Đình Hiệp| 08/05/2016 07:25

(HNM) - Nhật Bản và Nga sẵn sàng khôi phục cơ chế đối thoại giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước (cơ chế đối thoại 2+2) nhằm đẩy nhanh tiến trình đối thoại cũng như thực hiện các cuộc đàm phán, giải quyết tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ kéo dài hàng chục năm qua.

Thủ tướng S.Abe và Tổng thống V.Putin hội đàm tại khu nghỉ dưỡng Sochi.


Trở ngại lớn này đã ngăn cản hai bên ký Hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II đến nay. Đó là một trong những kết quả nổi bật mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đạt được sau cuộc hội đàm tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga.

Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đề cao vai trò của Nga khi cho rằng sẽ khó có thể đạt được tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Syria, Ukraine, Triều Tiên và cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng… nếu không có sự tham gia mang tính xây dựng của Mátxcơva. Nhật Bản đề cập với Nga về phát triển năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã dành sự quan tâm đặc biệt tới mối quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư. Thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương Nga - Nhật Bản có xu hướng sụt giảm vì nhiều nguyên nhân khác nhau, song Tổng thống V.Putin và Thủ tướng S.Abe cùng bày tỏ mong muốn cải thiện tình hình, không chỉ thông qua phát triển quan hệ thương mại thuần túy, mà còn bằng cách thực hiện các dự án đầu tư lớn.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản diễn ra trước khi Thủ tướng S.Abe sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản vào cuối tháng 5 này. Trong chuyến thăm một loạt quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) trước đó, Thủ tướng S.Abe đã nhấn mạnh đến một điều bất hợp lý là hơn 70 năm qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản và Nga vẫn chưa ký kết được bất kỳ Hiệp ước hòa bình nào. Vì vậy, ông hy vọng hai bên có thể bàn luận "thẳng thắn", cùng xem xét và đánh giá một cách "hợp lý nhất có thể" các vấn đề để sớm thống nhất được một hiệp ước liên quan. Thủ tướng S.Abe cho rằng hai nước có tiềm năng to lớn để thúc đẩy hơn nữa quan hệ trong lĩnh vực kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác nếu có thể giải quyết được những vấn đề tồn tại này, đặc biệt là tranh chấp đối với 4 hòn đảo do Nga kiểm soát từ tháng 8-1945 và gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Thực tế cho thấy, những năm qua khi tình hình chính trị ở mỗi nước có nhiều thay đổi, Nga và Nhật Bản đều có nhượng bộ nhất định trong vấn đề tranh cãi này. Song về tổng thể Mátxcơva vẫn kiên trì đường lối cứng rắn, trong khi Tokyo có chính sách mềm |dẻo hơn. Chuyến thăm Nga của Thủ tướng S.Abe chứng tỏ nỗ lực của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề gai góc này. Với Mátxcơva, chuyến thăm của ông S.Abe sẽ góp phần giảm thiểu căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Mátxcơva hy vọng tiềm lực tài chính và kinh tế của Nhật Bản sẽ giúp ích cho nền kinh tế nước này vượt qua đợt suy giảm sâu. Với chuyến thăm Nga lần này, Thủ tướng S.Abe hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong chính sách ngoại giao và mối quan hệ với Nga đóng vai trò khá quan trọng. Việc cải thiện quan hệ Nhật Bản - Nga sẽ cho phép Tokyo gặt hái nhiều thành công hơn trong quan hệ với các nước láng giềng khác của Mátxcơva.

Chuyến thăm Nga là chặng dừng chân cuối cùng của Thủ tướng S.Abe trong chuyến công du 7 ngày tới Châu Âu nhằm thảo luận một loạt vấn đề cùng quan tâm như chống khủng bố, chương trình nghị sự cho Hội nghị G7, Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)... Với chuyến thăm mang tính biểu tượng cao này, Thủ tướng S.Abe đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên thuộc Nhóm G7 tới Nga nhằm giúp phá vỡ thế "cô lập quốc tế" mà phương Tây và Mỹ dựng lên quanh Mátxcơva kể từ sau sự kiện Crimea sáp nhập vào nước này hai năm trước. Sự kiện Thủ tướng S.Abe, một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đã bỏ qua lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama từ bỏ chuyến thăm tới Nga cho thấy, ông S.Abe đã tạo ra một tiền lệ khiến Washington bất an, để trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên quyết định gặp gỡ với Tổng thống Nga V.Putin theo thể thức song phương. Tiếp bước ông S.Abe, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng sẽ tới Nga để tham dự Diễn đàn đầu tư quốc tế thường niên, do Nga tổ chức hằng năm tại St Petersburg vào tháng 6 tới.

Với chuyến thăm này, Thủ tướng S.Abe muốn phát đi thông điệp rằng, Nhật Bản và Nga có tiềm năng lớn mở ra những cơ hội hợp tác tốt đẹp hơn nếu bên hai có thể tìm ra giải pháp cho những bất đồng về lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp cho những bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.