Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm đường cho thơ ca: Trách nhiệm không chỉ của nhà thơ

Vân Hạ| 19/02/2023 14:10

(HNMCT) - Khi tình cờ đọc được một bài thơ hay với lời bình của một nhà thơ uy tín, tôi lập tức tìm mua tập thơ mới xuất bản này nhưng không hề thấy trên các sàn thương mại điện tử và hiệu sách. Thơ không bán được hay là chưa được bán đúng cách? Độc giả quay lưng với thơ hay là họ khó tiếp cận với thơ? Vì sao thơ không hay xuất hiện tràn lan?... Đó là những câu hỏi cần được “mổ xẻ” để tìm con đường đi cho thơ ca hôm nay.

Độc giả tham quan Đường thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Thảo Nguyên

"Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ"!

Gần đây, tại các cuộc tọa đàm, hội thảo về thơ, nhiều ý kiến về sự xuất hiện tràn lan của thơ dở dù đội ngũ người làm thơ ngày một tăng, số lượng tập thơ được xuất bản ngày một nhiều. “Thơ chả giống thơ” cũng ra thị trường, đã thế lại còn nhận được những lời “vuốt ve”, tên tác giả được đính kèm chức danh “đao to búa lớn” khiến giá trị thật - giả, đúng - sai bị đánh tráo. Như mới gần đây thôi, “cõi mạng” xôn xao trước thông tin về một “nhà thơ thế giới” với những bài thơ “độc đắc” như “Mời anh thịt luộc mắm nêm”, “Cá rô kho bầu”, “Bài thơ tình thứ một ngàn một trăm”... và hàng loạt “danh hiệu tự phong”: “Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao liên minh các nhà thơ thế giới”, “Phó Chủ tịch liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới”, “Chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ thơ trên thế giới và Việt Nam”...

Hiện tượng của “nữ thi sĩ” nói trên là một “ca" lạ của làng văn chương, dù sự ngộ nhận, háo danh trên "thơ đàn" không còn là điều hiếm gặp trong bối cảnh thơ xuất hiện ở khắp nơi, và hễ in và xuất bản được một tập thơ là tác giả đã có thể được tán tụng với danh xưng nhà thơ rồi. Cứ tán tụng nhau, mặc cho thơ thành mặt hàng bị ế, các hiệu sách không nhập thơ để bán nữa. Đa số các ấn phẩm thơ được in ra để tặng, đến nỗi có câu “ca dao mới” giễu nhại rằng: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”.

Tất nhiên, câu chuyện trên nói về mặt bằng của "thơ xóm", "thơ nghiệp dư". Trong thực tế nhiều năm trở lại đây, văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có thơ, đã có một đời sống mới, phong phú và sinh động với những cách tân, đổi mới. Tuy nhiên, như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói: “Trong thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất giả, rồi buồn cũng rất giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng “giả” làm người đọc khó chịu. Phải chăng, độc giả của thơ ngày một ít đi cũng bởi lẽ ấy?”. Còn nhà thơ Nguyễn Hiếu cho rằng: “Hiện tượng thơ “lẫn”, thơ “giống nhau” ngày càng phổ biến. Các nhà thơ, kể cả một số nhà thơ có tiếng, dường như chưa tạo ra phong cách riêng, họ viết ra những bài thơ từa tựa nhau từ cảm hứng, tứ thơ, cách chọn từ đặt câu, cấu trúc...”. Thơ in nhiều nhưng đa số chỉ bình bình, đã lâu rồi trên văn đàn chưa thấy xuất hiện những tập thơ hay, đặc biệt là thiếu vắng những tác phẩm độc đáo, xuất sắc.

Nguyên nhân của hiện trạng bão hòa thơ, thơ “đuối”, theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm là có quá nhiều nhà thơ quẩn quanh với riêng tư cá nhân, chưa chạm đến vấn đề có tính phổ quát. Chúng ta xem thường thơ, thả nổi, mặc kệ cho thơ "mọc như nấm sau mưa". Chúng ta chạy theo những thứ ăn nhanh, dễ dãi với những thứ dễ đăng, dễ đọc, vỗ về du dương mà không dừng lại trăn trở với chữ, với nghĩa, với hình tượng, với tư tưởng.

Đông đảo người yêu thơ đến tham quan "Nhà ký ức" - nơi mỗi kỷ vật đều có tiếng nói riêng, giúp công chúng hiểu hơn quá trình sáng tác của các nhà thơ. Ảnh: Phạm Hạnh

Xây dựng cộng đồng thơ có chất lượng

“Khi người viết không có những trăn trở với đời sống, không đặt ra cho mình những suy nghĩ về nghề, đặc biệt là không tạo ra được sợi dây liên hệ giữa mình với người khác, giữa con người với con người thì vô hình trung sẽ mang đến những hệ lụy to lớn với người đọc” - nhà thơ Đoàn Văn Mật chia sẻ. Và như thế, người đọc, một là nhìn nhà thơ với con mắt lệch lạc, coi thường, hoặc là bị kéo vào những thứ vô bổ, đôi khi là lệch lạc, méo mó với đời sống mà thơ ca mang đến cho họ.

Song, câu chuyện của thơ không chỉ đến từ trách nhiệm của riêng họ, mà còn là câu chuyện của nhà phê bình, của giới xuất bản, của nhà quản lý, và thậm chí là của ngành Giáo dục trong việc nâng cao năng lực cảm thụ văn học nghệ thuật của giới trẻ. Nữ nhà thơ Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, sự phát triển của các câu lạc bộ thơ ở các địa phương là một nét đẹp văn hóa giúp kiến tạo một cộng đồng, một môi trường nhân văn, bớt đi tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, theo nữ nhà thơ, cần quản lý việc định danh các câu lạc bộ cũng như các kỷ niệm chương, đặc biệt là những tên có gắn với hai chữ “Việt Nam”, để không tạo ra sự nhầm lẫn trong việc tra cứu của người yêu thơ cũng như bạn bè quốc tế.

Trong xã hội hiện đại, ai cũng có quyền làm thơ, nhưng việc lựa chọn bài thơ nào để giới thiệu với công chúng và lưu giữ nó cho một giá trị lâu dài lại là nhiệm vụ của các nhà xuất bản. Sự bùng nổ của công nghệ in ấn và sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh xuất bản phẩm đã mở ra cơ hội cho nhiều tác giả, tác phẩm và chính các đơn vị xuất bản. Bất kể là thơ dở - hay, hễ đủ điều kiện tài chính là một cá nhân có thể sở hữu tập thơ của riêng mình. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản, đặc biệt là các đơn vị liên quan đến văn chương như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học cần phải là lớp kính lọc đầu tiên không châm chước cho tác phẩm kém chất lượng. Bởi lẽ thường, người đọc cho rằng các đơn vị xuất bản này có đội ngũ biên tập văn học chuyên nghiệp, các tác phẩm được họ lựa chọn xuất bản là thứ có giá trị. Sự dễ dãi “bán” giấy phép xuất bản cho thơ dở vừa làm giảm sút uy tín của chính NXB, vừa làm bạn đọc mất lòng tin với thơ ca.

Trong khi thơ dở tràn lan thì sự lên tiếng từ phía các nhà phê bình lại khá yếu ớt. Bạn đọc rất cần những bài viết phê bình, phản tỉnh, cũng cần những bài viết chỉ dẫn, định hướng để có thể “đãi cát tìm vàng”, chỉ ra những tác phẩm tốt. Tiếc là hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội thường chỉ có những bài viết ngợi khen của các tác giả "viết hộ nhau" hoặc của các nhà báo không am hiểu phê bình văn học; thông tin thường dựa vào thông cáo báo chí và lời giới thiệu tập thơ. Một người đọc trẻ nêu ý kiến: “Hiện các nhà văn, nhà thơ tiếp cận độc giả rất dễ thông qua mạng xã hội nhưng các nhà phê bình - những người có kiến thức, có trình độ để đánh giá, thẩm định thơ một cách cụ thể lại ít thấy tiếp cận với độc giả, nên độc giả hiện nay không biết đâu mà lần”.

Sổ tay người yêu thơ. Ảnh: Minh Nguyễn

Trở lại với câu hỏi rằng thơ không bán được hay là chưa bán thơ đúng cách, độc giả quay lưng với thơ hay là độc giả chưa tiếp cận được với thơ, có thể khẳng định là thơ hay vẫn có thể chạm đến trái tim người đọc. Có thể kể đến bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xuất hiện đúng vào lúc xảy ra những căng thẳng trên biển Đông và đã được lan tỏa một cách kỳ diệu. “Ngay lập tức bài thơ này được các trang mạng điện tử, các blog trong, ngoài nước đưa lại và được hàng triệu độc giả hưởng ứng. Chỉ sau một thời gian ngắn, bài thơ đã được 5 nhạc sĩ phổ nhạc. Tôi cũng không ngờ bài thơ của mình lại có được sức cộng hưởng tri âm với người đọc như vậy” - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự.

Để thơ không “ế”, để độc giả tiếp cận được với thơ hay thì nên coi thơ là một “mặt hàng đặc biệt”, và vì thế, thái độ truyền thông chuyên nghiệp cho thơ là hết sức quan trọng. Sự đánh giá thẩm định dựa trên tiêu chuẩn, chất lượng cần được thực hiện bởi những cá nhân, tổ chức uy tín về thơ. Tác giả trẻ Băng Ngọc bày tỏ: “Em có một góc nhìn tham vọng, không chỉ muốn bán được nhiều sách của em, mà muốn sách của em “buôn có bạn, bán có phường”. Nếu xung quanh có nhiều nhà thơ, nhà phê bình thơ và có nhiều người đọc thơ thì cuốn sách thơ của em mới có cơ hội phát triển. Con đường tốt nhất để làm truyền thông cho thơ là từng bước tạo ra một cộng đồng có giá trị với những nấc thang tiêu chí thẩm định cụ thể, rõ ràng mặc dù thơ là một cái gì đó rất lãng mạn, rất trừu tượng. Nhưng chính vì quá lãng mạn và trừu tượng nên càng cần được thẩm định tốt”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm đường cho thơ ca: Trách nhiệm không chỉ của nhà thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.