Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm đường cho thơ ca: “Chất xúc tác cho mọi tiến bộ của con người”

Quỳnh Dương| 19/02/2023 14:17

(HNMCT) - Trong xã hội hiện đại, khi các loại hình giải trí như âm nhạc, phim ảnh liên tục bùng nổ, mức độ phổ biến của thơ có dấu hiệu ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, tầm quan trọng của thơ ca vẫn luôn được khẳng định.

Nữ nhà thơ trẻ người Canada gốc Ấn Độ Rupi Kaur thu hút 3,4 triệu lượt theo dõi trên Instagram.

Theo thống kê gần đây nhất của trang Worldrate, tại Mỹ, số người trưởng thành đọc thơ luôn duy trì từ 11 - 12% dân số trong những năm gần đây. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng sách thơ bán được trung bình mỗi năm vào khoảng 10.000 - 12.000 bản in/cuốn. Tại Anh, năm 2018, đã có 1,3 triệu cuốn sách thơ được bán, mang về doanh số 12 triệu bảng. Điều này cho thấy, thơ ca vẫn giữ được một số lượng độc giả nhất định ở nhiều nước trên thế giới bất chấp có nhiều nhận định cho rằng, lĩnh vực văn học này đang phải đối mặt với sự thờ ơ của phần lớn các tầng lớp trong xã hội.

Trong một chuyên đề thảo luận về tầm quan trọng của thơ hiện nay, nhiều sinh viên thuộc Đại học Bắc Georgia (Mỹ) cho rằng, thơ chưa bao giờ đánh mất vai trò và ý nghĩa trong xã hội. Ngay cả khi con người bị hấp dẫn bởi các loại hình giải trí và công nghệ mới, thơ vẫn có một vị trí vững chắc bởi có một vẻ đẹp và tiếng nói riêng giúp cho các tâm hồn có thể nhanh chóng tới gần nhau nhất. Có điều, khi xã hội liên tục phát triển, nhận thức của con người cũng thay đổi và nâng cao, độc giả sẽ không còn hứng thú với những ý tưởng ngột ngạt và cũ kỹ, những đúc kết thiếu đi sự sâu sắc của cuộc sống. Những nhà thơ bắt kịp được xu thế với sức sáng tạo mạnh mẽ vẫn có thể cho ra đời nhiều tác phẩm gây tiếng vang, đồng thời giữ được lượng độc giả ổn định.

Một minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định nói trên là nữ nhà thơ trẻ người Canada gốc Ấn Độ Rupi Kaur, sinh năm 1992. Cô đã xuất bản hai tập thơ được độc giả trên thế giới yêu thích: “Milk and Honey” ("Sữa và Mật" - tạm dịch); “The Sun and her flowers” ("Mặt trời và những đóa hoa của nàng"). Tập thơ “Sữa và Mật” thể hiện một cá tính đương đại độc đáo, sắc sảo, đầy hấp dẫn. Ngay từ khi xuất hiện năm 2014, tập thơ đã làm khuynh đảo cả nền xuất bản Mỹ với 2,5 triệu lượt mua online, hơn 1 triệu bản in chỉ sau một năm ra mắt và được dịch ra 25 ngôn ngữ. “Sữa và Mật” đã thay đổi cái nhìn của người đọc về sự cuốn hút của thơ hiện đại. Tập thơ được chia thành 4 chương. Mỗi chương có một mục đích khác nhau, đối diện với một nỗi đau khác nhau và chữa lành một nỗi buồn khổ khác nhau. Không chỉ đưa người đọc đi qua một hành trình những thời khắc cay đắng nhất trong đời và tìm thấy ngọt ngào ở chúng, “Sữa và Mật” còn mang trong mình thông điệp mà Rupi Kaur muốn gửi tới độc giả: Ngọt ngào ở khắp mọi nơi, nếu ta sẵn lòng tìm kiếm.

“Mặt trời và những đóa hoa của nàng” (2017) là tuyển tập thứ hai của Rupi Kaur được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt bởi cách sử dụng ngôn từ đẹp, giàu cảm xúc và độc đáo nhưng không thiếu sự táo bạo. Hiện tại, Rupi Kaur đang đứng đầu trong các nhà thơ đương đại về số lượt theo dõi trên nền tảng xã hội Instagram với 3,4 triệu lượt.

Theo các nhà phê bình, tương tự như nhiều ngành nghề khác, để hấp dẫn bạn đọc và duy trì vai trò của thơ ca, các nhà thơ cũng phải thích nghi với tốc độ phát triển của xã hội để cho ra đời những tác phẩm có tính sáng tạo và chất lượng cao về mặt nội dung cũng như hình thức. Trong thế hệ thuộc hàng “cây đa, cây đề”, nữ nhà văn người Mỹ Louise Glück, sinh năm 1943, vẫn luôn duy trì được "sức nóng” trong nhiều năm qua. Được xem là một trong những nhà thơ đương đại tài năng nhất ở xứ Cờ hoa, tác phẩm của bà được chú ý bởi sự nhạy cảm, cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn, các mối quan hệ gia đình, và cả cái chết. Từ tập thơ đầu tiên “Firstborn” (1968) đến tập thơ gần đây nhất “Faithful and Virtuous” (2014), Louise Glück có những bước tiến, ngày càng mạch lạc, sắc sảo với một giọng thơ đặc biệt, cách diễn đạt không thể trộn lẫn. Dù viết về bất cứ đề tài nào, thơ bà vẫn ý nhị, giản dị, kiệm lời, đưa độc giả về miền mênh mang của ký ức - hiện tại, đời sống - ước mơ, sự sống - cái chết... đan xen cùng hành trình thức tỉnh. Nhà thơ Robert Hass đã gọi bà là “một trong những nhà thơ trữ tình thuần túy và thành công nhất hiện nay”.

Đánh giá cao vai trò của thơ trong đời sống, xã hội, từ năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chọn ngày 21-3 hằng năm là “Ngày thơ thế giới” nhằm mục đích tôn vinh những thành tựu mà thơ ca có thể tạo ra, từ đó hình thành các mối quan hệ có ý nghĩa và mở rộng tâm trí của mỗi người về lịch sử và văn hóa. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng: “Được sắp xếp bằng ngôn từ, được tô điểm bằng hình ảnh trong những thước đo chuẩn mực, sức mạnh của thơ không gì sánh kịp. Thơ làm phong phú các cuộc đối thoại và là chất xúc tác cho mọi tiến bộ của con người".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm đường cho thơ ca: “Chất xúc tác cho mọi tiến bộ của con người”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.