Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm đường cho thơ ca: Thơ câu lạc bộ không có lỗi

Hạ Yến| 19/02/2023 14:15

(HNMCT) - Số lượng người làm thơ tăng chóng mặt, các câu lạc bộ thơ mọc lên khắp nơi, nhưng mặt bằng chất lượng thơ lại giảm sút. Sự tồn tại, phát triển của thơ không chuyên và các câu lạc bộ thơ đại chúng đã ảnh hưởng như thế nào đến nền thi ca Việt? Hànộimới Cuối tuần đã ghi lại một số ý kiến của nhà thơ, nhà phê bình.

Nhà phê bình Trần Thị Trâm:

Văn học nghệ thuật không chuyên nghiệp có đóng góp rất quan trọng

Chúng ta biết rằng, trong một nền văn hóa nghệ thuật bao giờ cũng có bộ phận chuyên nghiệp và không chuyên, mỗi bộ phận có giá trị riêng. Văn học nghệ thuật không chuyên cũng có những đóng góp rất quan trọng, như góp phần nâng cao chất lượng, bồi dưỡng để Hội Nhà văn có hội viên mới. Nhiều anh chị qua sinh hoạt ở các câu lạc bộ (CLB) địa phương rồi trở thành người viết chuyên nghiệp, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cũng thành danh.

Văn học nghệ thuật không chuyên gắn với đời sống, rất sinh động, tươi mới, hấp dẫn và được nhiều người yêu thích bởi phù hợp với tầm đón đợi của họ, nói lên tiếng nói của đông đảo quần chúng. Thơ của họ vui lắm, hài lắm, hóm lắm. Thực tế, có những người không phải là hội viên Hội Nhà văn nhưng những câu thơ của họ bất tử. Không phải cứ làm chuyên nghiệp là đã có thơ hay, mà theo quy luật chọn lọc, thời gian sẽ kiểm chứng, sẽ mang trả lại cho chúng ta những giá trị đích thực của các tác phẩm.

Làm thế nào để thơ CLB hấp dẫn hơn, đi đúng định hướng hơn, đó là trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam chúng ta, trách nhiệm của những người làm nghiên cứu lý luận phê bình chúng tôi, thêm nữa là trách nhiệm của các nhà xuất bản về văn học, và trách nhiệm của mỗi nhà thơ. Mỗi nhà thơ tự trọng để trở thành một nhà văn hóa đích thực, để thơ rung động trái tim bạn đọc.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Sự ra đời của các CLB thơ không làm tổn hại thành tựu của thơ Việt

Bây giờ, ở đâu cũng có CLB thơ. Vào CLB rồi thì thành nhà thơ. Phần lớn là các cụ tuổi hưu. Họ không "ăn lương thơ". Hoạt động của họ như hội họp, đọc thơ, in thơ... cũng là nhờ tiền riêng. Làm thơ, với họ, như một cuộc chơi. CLB thơ cũng chỉ là một sân chơi. Mà chơi trong cõi tinh thần, chơi tình cảm, chơi trí tuệ. Viết một bài thơ là sống lại một chặng sống của mình, là nghĩ ngợi lại việc đời mà mình đã trải. Nó như một cuộc tự kiểm điểm về đạo lý, về phép ứng xử.

Phần lớn những bạn viết thuộc các CLB rất ham in thơ. Có người mỗi năm in một tập. Nhưng dù thơ ở các CLB chưa hay hoặc chưa có nhiều bài hay thì cũng không hại gì cho nền thơ nước ta, chỉ có hại khi nó được dễ dãi in ra, trộn lẫn thứ phẩm vào chính thống để phát hành.

Hiện nay, số người làm thơ tăng lên, số sách thơ được xuất bản cũng tăng lên, nhưng số người đọc thơ lại giảm... Giảm ở mức chưa từng có. Nguyên nhân là do công tác biên tập. Biên tập quá dễ dãi. Những tập thơ còn non yếu được ra đời ngày một nhiều, về số lượng thì hoàn toàn lấn át các tập “đọc được”. Một tập thơ vào loại “đọc được” như đang ngạt thở bởi bị ba bốn chục tập “chưa nên in” che lấp ở phía trên. Đã thế lại không có một chỉ dẫn nào của giới xuất bản, giới phát hành hoặc các nhà phê bình để giúp bạn đọc cách tìm ra nó. Việc ấy cần được giải quyết, và có thể giải quyết được trên cơ sở một đòi hỏi cao hơn về chất lượng thẩm định. Nhiều nước có sáng kiến điều chỉnh giá sách theo chất lượng tác phẩm rất uyển chuyển và hiệu quả, có tác động tích cực tới chất lượng văn chương, ta nên áp dụng.

Câu hỏi đặt ra là, việc in thơ, việc vào hội, việc "chế tạo" các huy chương vì sự nghiệp thơ ca, văn chương hay thành lập cả trung tâm nghiên cứu và phát triển thơ ca... nên làm đến đâu thì vừa, thì hợp lý, hợp pháp, hợp với năng lực của “một sân chơi”? Nếu hạn chế được sự lệch lạc do ấu trĩ, do ảo tưởng và có thêm tài năng, tôi trộm nghĩ, có khi hình thức sinh hoạt CLB chính là mô hình tương lai của các hội văn học nghệ thuật. Ở đó, chúng ta không phải dùng hoặc dùng ít đi tiền ngân sách để hoạt động; sẽ thật sự dân chủ, bớt đi sự cồng kềnh về mặt tổ chức hành chính trong lao động nghệ thuật và trong đánh giá tài năng sáng tạo.

Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam:

Dám sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ dở

Điều đáng ngại hiện nay là người làm thơ đông, thơ in ra nhiều nhưng người đọc lại không đọc thơ. Bạn đọc lạnh nhạt với thơ là có thật, thậm chí quay lưng lại với thơ cũng là thật. Người đọc lạnh nhạt với thơ là tại thơ hay tại bạn đọc? Bạn đọc thì muôn năm vẫn thế. Thấy hay, thấy thích thì vui. Không hay, không thích thì bỏ đi tìm sân chơi khác, vô thưởng vô phạt, chẳng tội lỗi cũng chẳng sai trái gì. Lỗi không thuộc bạn đọc thì lẽ đương nhiên phải thuộc về nhà thơ, rộng hơn là cả những người làm công việc liên quan đến thơ như các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản xuất bản thơ, các nhà quản lý về văn hóa nghệ thuật, rồi cơ chế chính sách cũng góp phần đến cái hay cái dở của thơ.

Nói cho công bằng, thơ chất lượng thấp thời nào mà chẳng có. Mọi kỹ nghệ tô son đánh bóng, mọi hư danh hão huyền, nếu không được hô ứng thì tự nó sẽ bị thời gian vùi lấp. Nó không có khả năng tồn tại nếu sinh ra trong một môi trường văn hóa đủ tự trọng để chối bỏ sự dung tục, tầm thường.

Nhưng ở đây, chính những người viết lại tự bằng lòng. Còn các tờ báo, nhà xuất bản, cơ quan quản lý văn hóa thì dễ dãi, nuông chiều thơ non yếu. Họ không dám sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ dở, gạt bỏ cái ấu trĩ tầm thường ra khỏi đời sống thơ ca lành mạnh. Chính vì vậy mà thơ chất lượng thấp có cơ hội lên ngôi.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu:

Thơ đại chúng tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống

Một tác phẩm thơ ra đời sẽ rơi vào một trong ba tình huống: Được đông đảo bạn đọc đón chào nồng nhiệt; chia đôi độc giả, một số phê phán, một số ca ngợi; không ai nói gì. Trong ba trường hợp trên thì loại tác phẩm được đón chào nồng nhiệt là tác phẩm ăn khách, rất phù hợp với bạn đọc đại chúng hôm nay. Những tác giả này không chắc đã đóng góp gì cho sự phát triển của thơ, nhưng được hưởng lợi từ thơ rất nhiều, và thường gây tranh cãi.

Nhìn tổng thể, thơ hôm nay cơ bản vẫn là sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ của truyền thống thơ đã được định hình mấy chục năm qua. Đó là thơ đại chúng. Vừa có tính tuyên truyền, vừa có tính dân dã. Các nhà thơ đại chúng là chủ nhân của thơ hôm nay. Thơ của họ đúng tầm đón đợi của đa số người đọc đại chúng. Thơ của họ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống. Thơ của họ vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền vừa thể hiện những buồn vui sướng khổ muôn mặt đời sống của quần chúng nhân dân. Sự vinh danh qua các giải thưởng, được đầu tư sáng tác và tài trợ xuất bản, được đưa vào sách giáo khoa, được tôn vinh, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mọi diễn đàn... chính là sự khẳng định giá trị của thơ đại chúng. Đó cũng chính là sự cổ vũ mạnh mẽ cho sự phát triển của thơ Việt Nam đương đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm đường cho thơ ca: Thơ câu lạc bộ không có lỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.