Sau khi bán ra hàng trăm triệu iPhone mỗi năm, giờ đây CEO Apple muốn thu lại tất cả thiết bị cũ để tái chế.
Trong cuộc trò chuyện với trang GQ, Tim Cook bày tỏ tham vọng sử dụng sức mạnh của gã khổng lồ công nghệ để cải thiện môi trường Trái đất. Việc đầu tiên họ làm là tái chế mọi thứ có thể, bao gồm hàng trăm triệu iPhone bán ra trên toàn cầu mỗi năm.
Với quyết tâm của Cook và Lisa Jackson, Phó Chủ tịch phụ trách môi trường, chính sách và xã hội của Apple cho biết, "Quả táo" đã gia tăng nỗ lực bảo vệ môi trường theo nhiều cách. Từ việc sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả cửa hàng bán lẻ, văn phòng và trung tâm dữ liệu trên toàn cầu cho đến phát triển robot tự động tháo rời iPhone cũ để lấy linh kiện tân trang hoặc thu hồi vật liệu thô.
Vào năm 2017, Apple đặt mục tiêu tạo ra chuỗi cung ứng khép kín, trong đó tất cả sản phẩm mới sẽ dùng vật liệu tái chế từ thiết bị cũ, không lấy thêm bất cứ tài nguyên nào của Trái đất. Với quy mô sản xuất khổng lồ của Apple, kế hoạch này không thể dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn. "Chúng tôi đang nghĩ từng phần một về công việc cần làm. Đó là mục tiêu lớn nhất", Tim Cook chia sẻ trên GQ.
CEO Apple khá lạc quan về kế hoạch cải thiện môi trường của mình. "Nói thẳng ra, chúng tôi không biết là thế nào để đạt được 100% (năng lượng tái tạo). Nhưng một khi đã đặt ra mục tiêu, chúng tôi sẽ thực hiện nó".
Tim Cook nói thêm rằng đây là một cuộc cách mạng của Apple. Tạo ra chuỗi khép kín từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến xử lý sản phẩm sau sử dụng đòi hỏi phải thay đổi gần như toàn bộ dây chuyền cung ứng phần cứng của công ty.
Năm 2018, Apple đã có bước đi đột phá với việc sử dụng nhôm tái chế trên tất cả dòng sản phẩm bán ra. Các đối tác của họ cũng được yêu cầu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Đã có 44 đơn vị sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất thiết bị cho gã khổng lồ xứ Cupertino.
Với mục tiêu tái chế toàn bộ những gì đã làm ra, Tim Cook hi vọng nhiều người dùng chấp nhận bán lại iPhone cũ cho Apple. Họ đã phát triển robot Daisy, có khả năng tháo rời 200 chiếc điện thoại mỗi giờ để lấy linh kiện dùng vào việc tân trang hoặc thu hồi vật liệu.
Phải mất một khoảng thời gian để người dùng làm quen với việc mua điện thoại từ Apple và bán lại cho chính họ khi thiết bị đã cũ. Gần đây hãng đẩy mạnh chương trình đổi iPhone cũ lấy iPhone mới như một bước đi đầu tiên của kế hoạch. Tim Cook muốn tạo ra thói quen tiêu dùng tương tự thị trường xe hơi: Bán lại sản phẩm không sử dụng cho người cần chúng hơn.
Bên cạnh nỗ lực của chính mình, CEO Apple hi vọng những tập đoàn công nghệ khác cũng hành động tương tự để góp phần bảo vệ môi trường Trái đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.