Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm cơ chế đầu tư hiệu quả

Tuấn Lương| 17/04/2012 06:43

(HNM) - Dự án xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đuống nằm trong quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm chủ động nguồn nước sạch cấp cho nhân dân Thủ đô và một số khu vực thuộc hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Việc xây dựng thêm các nhà máy sản xuất nước sạch là nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân Thủ đô.Ảnh: Viết Thành


Nguồn nước ngầm đã suy giảm nghiêm trọng

Từ trước đến nay, nguồn nước để sản xuất nước sạch cấp cho nhân dân Thủ đô chủ yếu là nước ngầm. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, có tới 3/4 công ty đảm trách cấp nước của TP sử dụng nguồn nước dưới đất với tổng số 251 giếng đang khai thác tại 17 nhà máy chính và 10 trạm sản xuất. Từ tháng 3-2009, Hà Nội được bổ sung thêm nguồn nước sạch từ nhà máy lấy nguồn mặt sông Đà, song lượng nước này mới chỉ để cấp cho khu vực phía tây nam Thủ đô với tổng công suất khoảng 120.000m3/ngày đêm. Đến nay, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 90%, trong khi các huyện ngoại thành mới có khoảng 25-30% số dân được hưởng nước sạch.

Ông Nguyễn Như Hải - Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, nguồn nước ngầm được khai thác và vận hành sản xuất trên 20 năm nên đã suy thoái nghiêm trọng, công suất khai thác giảm từ 15% đến 20% so với thiết kế. Năm 2011, mực nước ngầm tại các giếng bị hạ thấp, đặc biệt là tại các giếng ven sông Hồng. Suy thoái nguồn nước ngầm đã ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của các nhà máy nước sạch. Tổng công suất cấp nước của toàn công ty đạt tối đa khoảng 614.000m3/ngày đêm.

Đại diện Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tham gia cùng TP Hà Nội lập quy hoạch cấp nước) cho rằng nguồn nước dưới đất, về mặt trữ lượng, không thể thỏa mãn được toàn bộ nhu cầu dùng nước cho các đô thị của Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, việc khai thác nước dưới đất cần được cân nhắc các khía cạnh về môi trường, đặc biệt là vấn đề sụt lún nền đất cũng như nhu cầu về diện tích đất để xây dựng giếng mới. Tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất phía nam sông Hồng không được vượt quá 700.000m3/ngày theo như quy định của Chính phủ tại Quyết định số 50/QĐ-TTg. Tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất phía bắc sông Hồng không nên vượt quá 400.000m3/ngày. Trong giai đoạn đến năm 2020 cần hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại các bãi giếng mà trong nước có hàm lượng amoni và độ nhiễm bẩn hữu cơ cao, tiến tới dừng hẳn việc khai thác nước ngầm vào năm 2030.

Phát huy lợi thế nguồn nước mặt

Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải cho biết, công ty đang cùng đơn vị tư vấn lập dự án xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.562 tỷ đồng, xây dựng nhà máy nước sạch với công suất 600.000m3/ngày đêm. Việc xây dựng chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I, xây dựng nhà máy với công suất 150.000m3/ngày đêm; giai đoạn II tăng công suất thêm 150.000m3/ngày đêm và giai đoạn III tăng thêm công suất lên 300.000m3/ngày đêm. Phạm vi cấp nước của nhà máy giai đoạn I gồm các khu vực của Hà Nội. Giai đoạn II và III, ngoài Hà Nội, sẽ cấp cho một số khu vực thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư dự án lớn, DN nhà nước làm nhiệm vụ công ích như Công ty Nước sạch Hà Nội khó có khả năng đảm trách. Do đó UBND TP đang nghiên cứu đầu tư dự án dưới hình thức PSIF (tài chính thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân), là hình thức đầu tư mới, khác với hình thức ODA và PPP (công tư hợp tác).

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA để tìm nguồn vốn hỗ trợ cho dự án. Ông cho biết, phía Nhật Bản sẽ tham gia đầu tư dự án dưới hình thức PSIF và đề xuất cho Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (VDB) vay với lãi suất 2% bằng tiền yên và VDB cho TP Hà Nội vay lại với lãi suất 11,45% với thời gian ân hạn là 25 năm. Tỷ lệ góp vốn 80/20, trong đó Nhật Bản 80%, Hà Nội 20%; giá bán nước sạch của nhà máy dự kiến sẽ là 6.000 đồng/m3. JICA đề xuất TP có sự cam kết hỗ trợ trong việc tiêu thụ nước. Dự án được hưởng các điều kiện ưu tiên, ưu đãi như những dự án BOT khác của Việt Nam. Quan điểm của UBND TP Hà Nội là TP sẽ đứng ra vay vốn, không cần phải thông qua ngân hàng để phải chịu lãi suất cao. Nếu áp dụng theo hình thức BOT, TP đồng ý chủ trương và sẽ tạo điều kiện để các bên cùng tham gia đầu tư.

Theo dự báo, đến năm 2020, dân số Thủ đô sẽ vào khoảng 7,3 triệu người, năm 2030 là 9 triệu người và đến năm 2050 là trên 10 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, ngành nước đã tính toán đến năm 2020 phải đạt 1,6 triệu mét khối/ngày đêm (gần gấp 3 hiện nay), năm 2020 là 2,4 triệu mét khối/ngày đêm và năm 2050 là 3,2 triệu mét khối/ngày đêm. Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các cơ sở khai thác nước ngầm mới vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung cho nguồn nước sạch đạt công suất 1 triệu mét khối/ngày đêm. Tuy nhiên, để chủ động về nguồn nước, đặc biệt là khi nguồn nước ngầm suy giảm mạnh, trong quy hoạch cấp nước cho Hà Nội vừa được HĐND TP thông qua, đã định hướng song song với việc sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm hiện có sẽ khai thác nguồn nước mặt từ các sông Hồng, Đà và Đuống. Trong năm nay, TP sẽ tập trung vào dự án cấp nước từ nguồn nước mặt sông Đuống.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm cơ chế đầu tư hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.