Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, trong đó có 82 bia tiến sỹ triều Lê-Mạc (1442-1779) được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của ông cha để lại.
Tuy nhiên, trước lượng khách du lịch ngày một tăng, rồi hiện tượng học sinh, sinh viên sờ đầu rùa đội 82 tấm bia tiến sỹ khiến di tích này đang đối diện với những nguy cơ hư hỏng.
Giá trị văn hóa vô giá
Như mọi di sản vật thể và phi vật thể khác, việc UNESCO công nhận 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới đã đặt ra cho Việt Nam yêu cầu khắt khe trong việc bảo quản và phát huy di sản.
82 tấm bia tiến sỹ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám được dựng trong thời gian từ năm 1484-1780. Các bia đá có kích thước khác nhau, hình thức trang trí phong phú. Tấm bia to nhất cao 1,75m (chưa kể đế bia), rộng 1,3m, tấm bia nhỏ nhất cao 1,1m, rộng 0,7m, độ dày của bia trung bình là 0,25m.
Ngay từ thời phong kiến, dưới các triều đại quân chủ nhà Lê, việc bảo vệ và lưu giữ lâu dài những tấm bia tiến sỹ luôn được quan tâm chú trọng.
Sau năm 1954, thủ đô Hà Nội được giải phóng, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được giao cho ngành văn hóa Thủ đô quản lý nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, năm 1988, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thành lập Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ngay sau đó công tác trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc và khu vườn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám được quan tâm đặc biệt.
Năm 1994, 8 dãy nhà che bia đã được xây dựng với lối kiến trúc và kích thước hoàn toàn mô phỏng theo phong cách kiến trúc cổ thời Hậu Lê, phù hợp với cảnh quan kiến trúc sẵn có của di tích. Nền nhà bia cũng được nâng cao, lát gạch Bát Tràng. Những tấm bia được sắp đặt ngay ngắn thẳng hàng gần như đối xứng hai bên Đông và Tây, vừa tạo được cảnh quan mỹ thuật đẹp mắt, vừa có cảm giác trang nghiêm, thành kính.
Tiến sỹ Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: "Những tấm bia đá tiến sỹ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám là độc đáo và duy nhất. Nếu chẳng may một hoặc một số bia bị hư hỏng, hoặc mất, nhân loại sẽ mất đi một di sản tư liệu quý, hiếm, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không thể khôi phục được…".
Giải pháp nào để bảo tồn và phát huy giá trị?
Những năm gần đây, xã hội phát triển, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Một xu hướng mới cũng xuất hiện, đó là việc hàng năm, cứ vào dịp mùa thi, hàng nghìn lượt sĩ tử đua nhau đến sờ đầu rùa để lấy may. Nhiều người thậm chí còn ngồi, đứng lên cả các cụ rùa đá. Tình trạng đó đã khiến cho nhiều đầu rùa bị mòn, các dòng chữ Hán khắc tên tiến sỹ bị mờ dần.
Trước thực trạng này, các nhà sử học cho rằng, không dễ gì để xóa bỏ niềm tin của dân chúng trong ngày một ngày hai. Điều quan trọng là phải giáo dục để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản.
Một mâu thuẫn thực tế đang hiện hữu là nếu Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm triệt để công tác bảo vệ là ngăn, che kín thì sẽ làm ảnh hưởng đến việc hưởng thụ văn hóa của khách tham quan. Còn nếu để khách tham quan tự do, tự nhiên sờ đầu rùa, ngồi lên bia, rùa... thì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của di sản.
Trước thực tế trên, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã đề xuất hai giải pháp trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét. Một là dùng kính chịu lực đặc biệt làm vách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia, hai là làm lan can bằng gỗ cao khoảng 1 mét quây xung quanh nhà bia. Nếu dùng kính chịu lực, khách tham quan chỉ đứng bên ngoài vách kính nhìn, ngắm, chiêm ngưỡng bia rùa mà không sờ, xoa được vào di sản tư liệu. Giải pháp này an toàn, triệt để nhưng có hạn chế là vách kính không hòa nhập với không gian cổ kính của di tích và di sản.
Ngược lại, nếu làm lan can gỗ sẽ hài hòa với cảnh quan di tích, phù hợp với di sản tư liệu nhưng khó đảm bảo an toàn triệt để.
"Trong khi chờ quyết định phê duyệt của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm đã triển khai dịch toàn bộ 82 bài văn bia ra tiếng Việt, tiếng Anh và in thành sách, số hóa 82 bia đá về các khoa thi tiến sỹ và quản lý bằng công nghệ thông tin. Quảng bá rộng rãi giá trị của 82 bia tiến sỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và phục vụ lâu dài", tiến sỹ Đặng Kim Ngọc cho biết thêm.
Song, dù bằng cách nào đi nữa thì việc tuyên truyền cho mọi người có ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản tư liệu thế giới là việc làm rất cần thiết.
Mặt khác, cũng cần có hình thức giúp lớp trẻ đọc, hiểu được thông điệp trên các tấm bia thông qua việc chuyển ngữ, phát hành các tập sách hướng dẫn, giới thiệu về bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Có như vậy thì mới bảo tồn, phát huy được giá trị của Di sản tư liệu thế giới đặc biệt quý hiếm này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.