Đi dọc hơn 35km từ đập tràn Đơn Dương, thuộc Nhà máy thủy điện Đa Nhim về phía hạ lưu, chúng tôi không khỏi giật mình trước việc hành lang thoát lũ sông Đa Nhim bị xâm hại nghiêm trọng.
Canh tác rau màu trong hành lang thoát lũ hồ Đơn Dương. (Ảnh: Ngọc Hà/Vietnam+) |
Hạ du bị xâm thực
Nhà máy thủy điện Đa Nhim (công suất 160MW) được Nhật Bản thiết kế, xây dựng từ năm 1962, đến năm 1964 đi vào vận hành với lưu lượng xả 4.500m3/s, khẩn cấp có thể lên tới 5.500m3/s.
Báo cáo cuối cùng về Phục hồi, tái thiết hệ thống thủy điện Đa Nhim của Nippon Koei năm 1995 cho thấy sự lo ngại về tình trạng thoát lũ sông Đa Nhim rất kém do lòng sông bị nâng cao, dung lượng xả giảm xuống đáng kể, hạ lưu đập tràn bị xâm thực nặng nề.
Tư vấn này cảnh báo, trong trường hợp có lũ lớn hơn 2000m3/s, sẽ xảy ra thiệt hại trên phạm vi rộng ở thị trấn hạ lưu do đất đai vùng này đã được sử dụng nhiều cho cư trú và canh tác.
Thường từ tháng 7-9 hàng năm trước mùa lũ, Công ty thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi cùng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), các xã: Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka đô, thị trấn Đ’Ran và các ban ngành chức năng của địa phương đi kiểm tra dòng chảy sông Đa Nhim, từ đập tràn Đơn Dương đến vùng bị ảnh hưởng của xả lũ (cầu Ông Thiều).
Biên bản kiểm tra được các bên xác nhận việc xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm trong vùng thấp ven sông là khá phổ biến; dọc hai bên bãi bồi và vùng thấp sông có rất nhiều diện tích canh tác rau màu. Chưa kể một số vị trí của lòng sông có nhiều bãi dâu, cây mai dương gây cản trở dòng chảy khi nước lũ dâng cao.
Cũng giống như các công trình thủy điện khác ở miền Trung và Tây Nguyên, thủy điện A Vương (công suất 210MW) nằm trên hệ thống bậc thang sông Vu Gia-Thu Bồn, có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên khi có mưa to là mực nước hồ tăng rất cao trong một thời gian ngắn, do đó khả năng điều tiết lũ thường kém.
Hơn nữa, ở hạ du sông Vu Gia, do quá trình phát triển kinh tế nên một số công trình đã được xây dựng làm ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ như đường 14B trục cầu Hà Nha, quốc lộ 1 tránh ngập và hàng loạt đường dân sinh đã trở thành các con đê chắn nước…
Cần xây dựng quy chế phối hợp
Qua tìm hiểu, các công trình thủy điện trước khi xả lũ đều thông báo cho chính quyền địa phương mức xả và cảnh báo dân sinh sống tại khu vực hạ lưu công trình phải di dời, sơ tán khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn. Điều này đã được quy định cụ thể trong quy trình vận hành.
Hàng năm, khoảng giữa tháng 7, Công ty thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi đều tổ chức hội nghị Phòng chống lụt bão, mời các ban ngành liên quan, địa phương tham gia. Đồng thời, gửi văn bản tới Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, huyện Đơn Dương; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện đề nghị thông báo tới người dân sống ở khu vực hạ du sông Đa Nhim thu hoạch sớm hoa màu, không được lấn chiếm hành lang sông và có biện pháp giải tỏa những hộ dân tự ý xây dựng nhà cửa trong hành lang thoát lũ của sông nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường hợp tái diễn.
Thực tế là tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ dòng chảy hạ du hồ Đơn Dương, trong đó, quy định cho người dân địa phương về thời vụ trồng nếu sử dụng diện tích canh tác trong hành lang nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi mưa lớn kết hợp hồ xả lũ, mặc dù từ năm 2008, Công ty đã có văn bản đề nghị tỉnh về vấn đề này.
Về phía thủy điện A Vương, theo ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện A Vương, những tháng cuối năm nay, đại diện Công ty đã tới tất cả 18 xã của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thuộc vùng hạ lưu của sông Vu Gia-Thu Bồn để tuyên truyền cho nhân dân biết về công trình; lập 24 cột mốc báo lũ tại 4 xã ven sông Vu Gia, bàn giao cho địa phương quản lý và giúp người dân thuận tiện khi di chuyển tránh lũ; trang bị radio, loa pin cầm tay cho cán bộ Phòng chống lụt bão địa phương….
Đặc biệt, để cộng đồng hiểu rõ hơn về Quy trình vận hành hồ chứa, mức độ ngập, Công ty phối hợp với Ban Tuyên giáo huyện ủy Đại Lộc lập Tổ giám sát cộng đồng gồm 12 thành viên là Đoàn Thanh niên, Cựu Chiến binh và Hội Nông dân thay phiên nhau trực tại đập A Vương từ 1/10 đến 31/12 trong thời kỳ lũ chính vụ để theo dõi tình hình thực tế vận hành và làm công tác truyền thông với nhân dân. Chương trình này, Công ty dự kiến làm trong vài năm, là động lực gắn kết, giúp cộng đồng giảm nhẹ thiên tai hữu hiệu.
Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ hàng năm, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và tổ chức vận hành các hồ chứa có hiệu quả trong việc giảm lũ cho hạ du.
Quy trình này cho phép hồ A Vương được sử dụng phần dung tích từ cao trình 376m đến cao trình mực nước dâng bình thường là 380m để điều tiết giảm lũ, giảm thiệt hại cho hạ du thời kỳ lũ sớm.
Cùng với Quy chế phối hợp giữa Công ty với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng mới đây quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện của các bên trong việc phối hợp điều tiết nước, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du hồ chứa thủy điện A Vương.
Đây là cơ sở pháp lý và là điều kiện tiên quyết, quyết định đến lợi ích của chính các chủ đầu tư và yêu cầu giảm lũ của hạ du các công trình thủy điện./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.