Theo Nikkei Asia, nền tảng thương mại điện tử của TikTok đã tăng trưởng gấp 4 lần trong giai đoạn từ 2022-2023, với giá trị giao dịch hàng hóa tương ứng tăng từ 4,4 tỷ USD lên 16,3 tỷ USD.
Báo cáo của Momentum Works (Singapore) cho thấy, việc nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop ghi nhận giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) tăng gần gấp 4 lần, đồng nghĩa có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực vốn lâu nay chứng kiến sự thống trị của các tên tuổi bản địa như Shopee hay Lazada (hiện thuộc sở hữu Alibaba)...
Báo cáo cũng cho biết, kết hợp với Tokopedia của Indonesia mà TikTok chiếm phần lớn cổ phần vào năm ngoái, TikTok Shop đã vượt Lazada trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực ASEAN, với thị phần ước tính 28,4% tính đến năm ngoái.
Tại Việt Nam, TikTok cũng vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại trực tuyến số 2, chỉ sau Shopee. Thống kê của công ty phân tích Metric ghi nhận, các nhà bán hàng tại nước ta đã thu về khoảng 1,3 tỷ USD trong giai đoạn quý IV-2023 và quý I-2024.
Theo DataReportal, các nhà bán hàng Việt Nam thường sử dụng Amazon và Alibaba để xuất khẩu, nhưng ngày càng chuyển sang các nền tảng thương mại xã hội khi cần mua sắm. Đầu năm 2024, TikTok đã chạm mốc 67 triệu người dùng tại Việt Nam, tăng trưởng nhanh so với 50 triệu một năm trước đó. Mốc này đã tương đương con số 73 triệu người dùng của Facebook và 63 triệu người dùng của YouTube.
Cũng theo các báo cáo, quy mô thương mại điện tử ASEAN đã đạt 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với một năm trước đó. Shopee vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 48% thị phần, tiếp theo là Lazada với 16,4%, TikTok Shop và Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.
Từ khi ra mắt nền tảng thương mại điện tử vào năm 2021, TikTok đã tăng cường đợt tuyển dụng ở Đông Nam Á. Hết năm 2023, TikTok đã tăng gấp bốn lần số nhân viên lên hơn 8.000 người, ngang với Lazada.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, sự thành công của TikTok tại ASEAN phần lớn nhờ chiến lược phát triển thương mại điện tử bằng cách khai thác tính năng phát trực tiếp, nơi những người có ảnh hưởng và người bán giới thiệu từ sản phẩm làm đẹp, thời trang đến đồ gia dụng, cho phép người dùng mua hàng trong thời gian thực. Đây là hình thức rất dễ tiếp cận khách hàng trong khu vực.
Về phần mình, Shopee, vốn đang phải cắt giảm chi phí để có lãi, cũng bắt đầu nỗ lực để bảo vệ thị phần trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vào tháng 8-2024, công ty mẹ của Shopee là Sea cho biết, sẽ tăng cường đầu tư vào khả năng phát trực tiếp và hậu cần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.