LTS: Việc quản lý tiêu thụ nông sản ở các chợ đầu mối dường như đang bị bỏ ngỏ. Sự chồng chéo giữa các cơ quan trong công tác quản lý, chưa phân định trách nhiệm rõ ràng dẫn tới tình trạng
LTS: Việc quản lý tiêu thụ nông sản ở các chợ đầu mối dường như đang bị bỏ ngỏ. Sự chồng chéo giữa các cơ quan trong công tác quản lý, chưa phân định trách nhiệm rõ ràng dẫn tới tình trạng "cha chung không ai khóc" và từ đây, mỗi ngày, hàng trăm tấn rau, củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí nông sản “bẩn” được đưa ra thị trường, tới tay người tiêu dùng.
Bài đầu:Thật giả lẫn lộn
Hằng ngày thương lái đưa vào thị trường Hà Nội tiêu thụ lượng lớn rau, củ, quả. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật ở các chợ đầu mối nhếch nhác, tạm bợ, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác quản lý lỏng lẻo, hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng lẫn lộn khiến người tiêu dùng thấp thỏm lo âu.
Đánh đồng chất lượng
4h sáng hằng ngày, các chợ đầu mối của Hà Nội bắt đầu tấp nập khi hàng chục xe tải chở rau, củ, quả đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… đổ về. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết nông sản không có nhãn mác, khi được hỏi “sản phẩm này sản xuất ở đâu”, tiểu thương đều chung câu trả lời kiểu nước đôi, thậm chí cho biết “không cần quan tâm”! Giám đốc Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) Đỗ Quang Sơn cho biết, chợ đầu mối phía Nam có từ 700 đến 800 tiểu thương buôn bán hàng nông sản, thực phẩm, tiêu thụ từ 500 đến 600 tấn rau, củ, quả các loại mỗi ngày. Khó khăn lớn nhất của Ban Quản lý chợ là cán bộ không có chuyên môn để phân biệt rau, củ, quả của Trung Quốc hay Việt Nam. Riêng việc sắp xếp các ngành hàng rau an toàn với rau thường hiện tại ở tất cả các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố đều chưa làm được, nên vẫn còn hiện tượng rau xanh, củ, quả chưa rõ nguồn gốc được bày bán, tiêu thụ tại chợ.
Chị Nguyễn Thị Liên, bán rau ở chợ đầu mối phía Nam cho biết, trung bình mỗi ngày bán khoảng 1 tấn rau ăn lá các loại, lấy từ các huyện của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Liên không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ các loại rau xanh. Tương tự, chị Lương Thị Yến, kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện Thường Tín, trung bình mỗi ngày bán từ 1 đến 2 tấn củ, quả các loại, chủ yếu là cà chua, khoai tây và rau cải bắp. Chị Yến cho biết, các loại rau ăn lá của Việt Nam, riêng khoai tây, cải bắp của Trung Quốc, nhưng khi tiêu thụ ở chợ các loại củ quả đều bán với giá như nhau. Nguyên nhân các tiểu thương thích bán các loại rau, củ quả Trung Quốc vì giá rẻ, bắp cải của Đà Lạt đang bán buôn với giá từ 8.000 đến 9.000 đồng/kg, nhưng bắp cải Trung Quốc chỉ có giá từ 4.000 đến 4.500 đồng/kg, rẻ hơn một nửa, nên hầu như các tiểu thương ở chợ dân sinh đều thích mua để thu lợi nhuận cao. Đây là một thực trạng chung ở tất cả các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội.
Anh Lê Xuân Trường, bán rau ở chợ đầu mối Văn Quán (Hà Đông) cho biết, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường từ 3 đến 4 tấn rau, củ, quả, nhưng đều được lấy từ các tỉnh và nhập khẩu từ Trung Quốc. “Hiện người tiêu dùng vẫn chấp nhận rau trôi nổi trên thị trường, có cung ắt có cầu. Đồng thời, khi mua hàng người tiêu dùng vẫn không hỏi đến giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, nên các tiểu thương sẽ thuận lợi trong việc kinh doanh” - anh Lê Xuân Trường nói. Chị Nguyễn Thị Duyên, tiểu thương đến từ vựa rau Kim An (Thanh Oai) bán rau tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm cho biết, người tiêu dùng chỉ quan tâm mẫu mã, chủng loại và giá cả nông sản. Vì vậy khái niệm rau an toàn có nguồn gốc hay không có nguồn gốc khi mang ra chợ đều như nhau.
Buông lỏng quản lý
Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD (Bộ NN&PTNT), tại chợ đầu mối Hà Nội chưa có khu dành riêng bán rau an toàn. 80% người bán buôn và 95% người tiêu dùng được hỏi ở chợ đầu mối đều không phân biệt được đâu là rau an toàn. Ngay Ban Quản lý các chợ cũng không biết và không có chức năng kiểm soát rau an toàn hay truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong khi công tác kiểm tra rau an toàn của lực lượng chức năng vẫn hạn chế. Chính sự buông lỏng trong công tác quản lý của cơ quan chức năng cùng với việc người tiêu dùng, tiểu thương thờ ơ với rau sạch, nên sản phẩm này khó tìm được chỗ đứng ở các chợ đầu mối cũng như trên thị trường. IPSARD đã đưa ra kết quả, khi được hỏi có tới 1/3 người bán buôn rau cho rằng, kinh doanh rau an toàn không có lãi, độ rủi ro lớn vì giá thành cao, đầu ra không ổn định, trong khi không nhận được ưu đãi nào so với bán rau thông thường.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng: Việc quản lý chất lượng nông sản tại các chợ đầu mối hiện còn nhiều điểm vướng mắc khó giải quyết, đó là sự chồng chéo giữa các bên: Ban Quản lý chợ, Ngành Nông nghiệp, Ngành Công Thương, nhưng đã vào chợ, không có sự phân rõ rạch ròi trách nhiệm dẫn tới “cha chung không ai khóc” là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, nhiều chợ trên địa bàn thành phố gọi là chợ đầu mối nhưng chưa được quy hoạch bài bản, phân khu và bản thân nhận thức của xã hội và các tiểu thương còn thấp. Đồng thời, do thói quen dễ dãi, tiện đâu mua đó, mua bằng những mối quen biết, bằng sự cam kết bằng miệng của người tiêu dùng tại các chợ "cóc", chợ tạm đã tạo kẽ hở cho nông sản “bẩn” có đất sống.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.