Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiết kiệm là quốc sách

Thủy Tiên| 27/10/2013 05:42

(HNM) - Cách đây mấy năm, giám đốc một doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sang Canada dự hội nghị quốc tế về công nghệ thông tin. Để "bằng anh bằng em", vị giám đốc này thuê một chiếc ô tô khá xịn.



Đến nơi tổ chức sự kiện, ông nhìn thấy giám đốc một công ty phần mềm có tiếng trên thế giới, từng sang Việt Nam làm việc, đi bộ từ ngoài đường vào. Theo thói quen "rất Việt Nam" vị này hỏi: "Ô tô của ông đâu?", ông ta trả lời: "Ồ, tôi đi xe điện ngầm". Câu trả lời của một người nước ngoài có công ty niêm yết trên sàn chứng khoán New York khiến vị giám đốc nọ chỉ còn cách im lặng.

Đó là chuyện ở xứ người; còn ở ta... Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, trong thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đưa ra ví dụ về lãng phí: "Các festival, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình rồi hoàn thành công trình mời biết bao nhiêu quan khách. Có hội nghị nho nhỏ, đón Huân chương Lao động hạng Ba thôi cũng mời lãnh đạo bộ về, tiền ở đâu ra?".

Thực tế còn có rất nhiều câu chuyện về lãng phí. Một hội nghị, tổng kết hay liên hoan gì đó cũng tặng quà cho đại biểu mà đôi khi quà đó mang về không dùng được vì với nhiều người nó không phù hợp. Lại còn thêm một bông hoa cài lên ngực không biết để làm...? Công chức nhà nước bắt buộc phải biết sử dụng máy tính, internet, thế nhưng không ít cơ quan đã đưa tài liệu lên mạng rồi nhưng vẫn in ra giấy. Rồi những hội nghị có thể sử dụng công nghệ trực tuyến, song vẫn được tổ chức ở thành phố nào đó, thế là phát sinh chi phí ăn ở, vé đi vé về, tham quan nơi đăng cai hội nghị, tiệc chiêu đãi... Lãng phí không bó hẹp trong sử dụng ngân sách nhà nước mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, như: Lãng phí điện năng, tài nguyên nước, khoáng sản, sử dụng đất... Không những thế, lãng phí còn khá phổ biến trong đời sống người dân. Thậm chí, có gia đình không mấy khá giả nhưng cũng phải mua bằng được xe máy loại đắt tiền.

Dân gian có câu thành ngữ: "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Hà tiện nghĩa ở đây là tiết kiệm, và tiết kiệm thì cũng có thể giàu như người buôn tàu, bán bè và ngược lại, buôn tàu bán bè nếu hoang phí thì cũng không bằng người biết tiết kiệm. Trong kháng chiến chống Pháp và sau hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi tiết kiệm. Người nói: "Không phải chỉ tiết kiệm khi đất nước nghèo nàn mà ngay cả khi giàu và càng giàu có càng phải thực hành tiết kiệm".

Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2005 có nhiều điều khoản hiện không còn phù hợp và trong tháng 9 vừa rồi các đại biểu Quốc hội đã thảo luận để tiến hành sửa chữa, bổ sung. Song dù luật có chặt chẽ đến mấy cũng không thể điều chỉnh hết các mặt của đời sống xã hội hiện nay. Vì thế, vấn đề ở chỗ lãnh đạo các đơn vị, mỗi cán bộ, công chức và người dân phải tự ý thức về tiết kiệm. Khi đất nước còn nghèo, nhiều gia đình còn đang khó khăn thì không có cách nào tốt hơn là tiết kiệm. Tiết kiệm luôn là quốc sách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm là quốc sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.