(HNMO) - Sáng 11-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Trình bày dự thảo báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 716,9 tỷ đồng. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính theo chế độ quy định của các bộ, ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao, như: Thành phố Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, thành phố Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng...
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Cả nước hiện có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu mét vuông.
Trong năm 2022, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574ha đất. Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 3.440 tỷ đồng, 32ha đất; xử lý hành chính đối với 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế...
Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tồn tại nhiều năm cho thấy thủ trưởng cơ quan tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo khi còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch.
“Đề nghị Chính phủ công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai và có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.
Phát biểu thảo luận, về lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nội dung này chưa được nêu rõ trong báo cáo, vẫn có tình trạng lãng phí trong lập kế hoạch vốn và giải ngân. Phó Chủ tịch cũng đề nghị trong báo cáo đánh giá mức độ lãng phí đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; lãng phí trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vì hiện nay đang vướng cả về cơ chế lồng ghép, nguyên tắc lồng ghép, phân cấp, phân quyền…
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều vướng mắc chưa được khơi thông, cần đánh giá kỹ ”điểm nghẽn” để bổ sung trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn phân cấp ngân sách, hiện nay đang thực hiện lồng ghép ngân sách, bố trí nhiều nguồn cho cùng một mục tiêu, cùng một nhiệm vụ, nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ để thực hiện có hiệu quả.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó, yêu cầu cụ thể hơn là giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.