(HNMO) - Chiều 8-8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất kiến nghị trong thời gian tới”.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh; các nhà khoa học, các cán bộ quản lý và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 42/2017/QH14 giai đoạn 5 năm 2016-2020 hướng tới hai mục tiêu: Hình thành thị trường mua bán nợ xấu phù hợp và minh bạch trong khuôn khổ của pháp luật; tạo được hành lang pháp lý về quyền thu giữ tài sản bảo đảm liên quan đến các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Qua 2 năm triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả.
Đồng chí đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 trên địa bàn thành phố và đánh giá về tính khả thi của chính sách; các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khó khăn; đánh giá về sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội, đặc biệt là đối với khối các cơ quan nội chính trong tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm thu hồi các khoản nợ xấu cụ thể trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, ngày 30-11-2017, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg và Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định của Trung ương, Quốc hội trong xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Qua 2 năm thực hiện, việc xử lý nợ xấu trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực, giúp các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nguy cơ mất vốn và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; ý thức trả nợ của khách hàng được nâng lên. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn giảm từ 2,8%/tổng dư nợ vào ngày 31-7-2017 còn 2,02%/tổng dư nợ vào ngày 30-6-2019.
Tại hội nghị, nhiều cử tri đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm; để thực hiện hiệu quả nghị quyết này, Quốc hội cần có giải pháp mạnh thúc đẩy thiết lập một thị trường mua bán nợ rộng rãi… Cử tri cũng đề nghị trong thực hiện Nghị quyết, Quốc hội cần bỏ bớt những quy phạm pháp luật, thủ tục không cần thiết để phù hợp với việc thực hiện tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ xấu.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành, Hà Nội xác định đây là vấn đề rất quan trọng đối với sự ổn định tình hình kinh tế, chính trị của thành phố. Vì thế, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm nắm tình hình sau 2 năm tổ chức thực hiện, còn khó khăn gì cần tháo gỡ, để góp phần đưa Nghị quyết phát huy hiệu quả hơn.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đã đạt mục đích đề ra, với 11 ý kiến phát biểu, trong đó có ý kiến của các chuyên gia kinh tế. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh trung thực đến các cơ quan liên quan.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng có những khó khăn cần tháo gỡ. Do đó, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 30-11-2017 của UBND thành phố trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.