(HNM) - Ngày 1-4, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức họp báo thông tin về vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) cá tra tại thị trường Hoa Kỳ và tình hình xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ sở tính toán không hợp lý
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, ngày 31-3, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) vụ kiện CBPG cá tra tại thị trường Hoa Kỳ áp dụng với các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012. Theo quy định này, mức thuế của hai doanh nghiệp (DN) bị đơn bắt buộc là 0,03 USD/kg (Công ty Vĩnh Hoàn) và 1,2 USD/kg (Công ty Hùng Vương); mức thuế suất riêng lẻ dành cho 23 DN Việt Nam (bị đơn tự nguyện tham gia đợt rà soát) là 0,42 USD/kg; mức thuế suất toàn quốc (dành cho những DN Việt Nam chưa có mức thuế riêng vào Mỹ) là 2,11USD/kg. Có một DN mới là Golden Quality được hưởng thuế suất 0%.
Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ. |
So với mức thuế sơ bộ được DOC công bố vào tháng 9-2013 thì với kết quả cuối cùng này, chỉ có mức thuế suất toàn quốc là giữ nguyên, còn lại đều được giảm: Công ty Vĩnh Hoàn được giảm 14 lần (từ thuế suất 0,42 USD/kg còn 0,03 USD/kg), Công ty Hùng Vương giảm gần một nửa (từ 2,15 USD/kg còn 1,2 USD/kg); mức thuế suất riêng lẻ giảm từ 0,99 USD/kg xuống còn 0,42 USD/kg. Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, kết quả trên cho thấy quá trình đấu tranh của DN và các bên liên quan với DOC đã có những kết quả tích cực. Dù còn nhiều DN có mức thuế chưa được như mong muốn nhưng nhiều DN được giảm lãi suất xuống thấp cũng là cơ sở khẳng định Việt Nam không bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ.
Liên tục trong 7 kỳ xem xét hành chính trước đây, khi DOC chọn Bangladesh là quốc gia thay thế có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam để tính biên độ phá giá thì đều dẫn đến mức thuế là 0%. Tuy nhiên, đến kỳ POR8 khi DOC chọn Indonesia làm quốc gia thay thế, do nền kinh tế Indonesia không tương đồng với Việt Nam dẫn đến mức thuế suất tăng cao. Theo VASEP, với kết quả cuối cùng của POR9 cho thấy, DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia là quốc gia tính giá trị thay thế bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ các DN chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Mặt khác, DOC cũng sử dụng một công ty sản xuất cá biển để tính toán là không hợp lý bởi cá tra Việt Nam là cá nuôi. Kết quả POR9 chứng tỏ DOC ngày càng siết chặt quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam một cách không thống nhất và mang tính bảo hộ gây bất lợi cho các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, ngày 10-4 tới VASEP sẽ có cuộc họp với DN để trao đổi những yếu tố pháp lý cũng như các biện pháp liên quan các hoạt động theo đuổi kiện ra tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ về kết quả POR9 đối với những DN có mức thuế suất cao. Các DN sẽ tiếp tục yêu cầu DOC xem xét lại quốc gia thay thế và giá trị thay thế để bảo đảm mức thuế công bằng hơn trong tương lai. Bên cạnh đó là các DN cũng sẽ tiếp tục cân đối lại các hoạt động xuất khẩu để chuẩn bị tốt cho lần POR10 đang diễn ra. |
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt khoảng 1,8 tỷ USD, trong đó hai thị trường Mỹ và EU chiếm hơn nửa tổng sản lượng. Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 275 triệu USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ) trong đó thị trường Mỹ tăng trưởng rất cao với hơn 30%, ngược lại thị trường Châu Âu suy giảm 9%. Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả cuối cùng của POR9 có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam trong thời gian tới hay không, ông Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả này sẽ gây khó khăn cho các DN có mức thuế cao, còn với các DN có mức thuế thấp hoặc trung bình thì vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu tốt vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, năm nay, nguồn cung nguyên liệu đang có xu hướng ổn định dần. Sản lượng cá nguyên liệu trong năm dự đoán sẽ ở dưới 1 triệu tấn, thậm chí chỉ đạt 800.000 tấn, bởi một số DN đang sử dụng vốn cho nuôi trồng sẽ chuyển sang cân đối cho các nguồn khác. Bên cạnh đó, thời gian qua thị trường bấp bênh khiến người nuôi cũng không ồ ạt đổ ra nuôi như những năm trước. Theo ông Trương Đình Hòe, với một lực lượng DN có mức thuế thấp trong kỳ POR9 và nguồn cung nguyên liệu được cân đối, sẽ không còn nhiều DN xuất khẩu ồ ạt, dẫn đến giá cả và hoạt động xuất khẩu sẽ có bước cải thiện đáng kể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.