(HNM) - Đó là khẳng định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mítxuô Sacaba trong cuộc họp báo chiều 3-3 tại Hà Nội, để công bố
- Đại sứ tin rằng Nhật Bản tiếp tục viện trợ ODA quy mô lớn cho Việt Nam trong năm 2010?
- Tôi có nhiều lý do để tin vào nhận định này. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mêcông - Nhật Bản diễn ra tại Tôkyô tháng 11-2009, Thủ tướng Yukiô Hatôyama đã khẳng định tiếp tục dành ưu tiên ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt hợp tác tích cực với Việt Nam để triển khai các dự án lớn mà cấp cao hai bên đã thỏa thuận như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và khu công nghệ cao Hòa Lạc...
Tôi xin nhấn mạnh, ngoài khoản ODA vốn vay trị giá hơn 145 tỷ yên trên, Nhật Bản còn hai khoản viện trợ ODA khác (không hoàn lại và viện trợ kỹ thuật) trị giá 10 tỷ yên dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2009. Trong số gần 26 tỷ yên được ký kết chiều 2-3 dành cho 5 dự án lớn, phía Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến hai dự án “Xây dựng nhà ga hành khách - cảng hàng không quốc tế Nội Bài” và “Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài”. Chúng tôi hy vọng rằng đến năm 2014 hai dự án này sẽ hoàn thành.
- Mới đây Chính phủ Việt Nam đã nhất trí để doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA. Vậy Đại sứ kỳ vọng gì vào tốc độ giải ngân ODA của Việt Nam trong năm 2010 và kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này là gì?
- Đây là hình thức mà Chính phủ cùng liên kết với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Mặc dù đây là cơ chế riêng của Chính phủ Việt Nam, song tôi thấy, các dự án ODA cần thực hiện rất lớn. Vì thế việc triển khai hình thức liên kết này có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA. Trong khi chờ Chính phủ hoàn thiện cơ chế, hình thức này vẫn đang được triển khai, cụ thể là dự án cảng cửa ngõ Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, việc để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn ODA là rất tốt, song phải hạn chế tối thiểu các rủi ro mà các doanh nghiệp này gặp phải khi tham gia hình thức này.
- Trong năm nay Nhật Bản có hoạt động ngoại giao nào đáng chú ý với ASEAN tại Hà Nội?
Theo dự kiến, Ngoại trưởng Nhật Bản Kátsuya Ôcađa sẽ sang Việt Nam dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các bên liên quan vào tháng 7 tới và Thủ tướng Nhật Bản Yukiô Hatôyama sẽ đến Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các nước liên quan vào tháng 10.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.