(HNM) - Ngày 4-6, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 21 do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái ký về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 28-3-2002 của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa IX) và các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo bầu không khí dân chủ và cởi mở hơn trong đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân được tăng cường. Quyền làm chủ, tính năng động sáng tạo của nhân dân được phát huy, tạo động lực mới, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Thủ đô. Những kết quả trên đã có tác động tích cực tới công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể nhân dân, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, sách nhiễu, cửa quyền và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở còn bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VIII, Ban Bí thư TƯ Đảng khóa IX và Kết luận ngày 4-3-2010 của Ban Bí thư TƯ Đảng về thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo 8 nhiệm vụ trọng tâm.
1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân những quan điểm chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TƯ, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm thực hiện QCDC ở cơ sở.
2. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về dân chủ trong các chính sách cụ thể; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, của người đứng đầu về thực hiện QCDC; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện. Vận động nhân dân chấp hành kỷ cương pháp luật, tham gia xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước; xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
3. Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc điều chỉnh các quy chế, quy ước đã ban hành cho phù hợp với Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH 11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban TVQH và các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, tránh hình thức. Chú trọng làm tốt việc xây dựng và thực hiện QCDC trong các lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân như quản lý đất đai, xây dựng, kinh tế, tài chính, công tác cán bộ, thực hiện các chính sách xã hội. Tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin, công khai hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
4. Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các phong trào thi đua yêu nước nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
5. Phát huy dân chủ gắn liền với việc bảo đảm kỷ cương, pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò dân chủ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, đơn vị.
6.Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở các cấp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân ở cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
7. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đội ngũ cán bộ ở địa bàn thôn và tổ dân phố. Tập trung nguồn lực hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và tạo điều kiện thông tin, tuyên truyền về QCDC, về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
8. Hằng năm, các cấp, các ngành từ TP tới cơ sở đều phải kiểm điểm đánh giá kết quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Kết quả đánh giá được coi là một tiêu chuẩn quan trọng để phân loại tổ chức và cán bộ, đảng viên; để bình xét thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt. Đồng thời xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện QCDC, trong tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thành ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC TP và Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng Thành ủy thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thành ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chỉ thị. Các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Thành ủy qua Ban Dân vận Thành ủy. Chỉ thị này được phổ biến tới chi bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.