Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thi công, tiến hành khảo cổ ở vị trí khác

Tuấn Lương| 16/06/2010 06:01

(HNM) - Ngày 15-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan về việc triển khai dự án xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo các bên liên quan đã thống nhất dừng khảo cổ tại đây để tiếp tục thi công và chuyển thám sát sang vị trí khác. Đồng thời TP Hà Nội cũng có phương án tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư cho các hộ dân tại dự án.

Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây tiếp tục được tiến hành. Ảnh: Thái Hiền

Cởi nút thắt giải phóng mặt bằng

Ông Dương Đức Thái, Giám đốc Ban QLDA Giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết, tổng diện tích đất phải thu hồi phục vụ dự án là 47.278m2, liên quan đến 445 hộ dân và 6 cơ quan. Trong đó, chủ yếu là quận Tây Hồ với 6 cơ quan và 364 hộ dân, còn lại thuộc quận Ba Đình. Đến nay quận Ba Đình đã cơ bản hoàn thành GPMB. Tại quận Tây Hồ, Tổ công tác đã điều tra, khảo sát và lập phương án GPMB được 283 hộ dân, 81 hộ nằm trong khu tập thể Bộ Tư lệnh công binh còn đang vướng mắc. Về nhà tái định cư (TĐC), theo chỉ đạo của thành phố, các hộ trong diện di dời sẽ được bố trí TĐC tại tòa nhà No3 khu 5,03ha Dịch Vọng - Cầu Giấy và tòa nhà B6, B10 Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). UBND quận Tây Hồ đã phê duyệt 230 căn hộ TĐC; tổ chức bốc thăm 225 căn hộ.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Thái Văn Hạ cho biết, theo hồ sơ nhà đất, trong phạm vi dự án có 49 hộ dân trong khu vực tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã sinh sống ở đây khoảng 40 năm. Tuy nhiên, trong quá trình GPMB, các hộ này có tranh chấp, đang chờ Tòa án nhân dân quận Tây Hồ xét xử. Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, quận kiến nghị cho phép tiếp tục GPMB, bố trí TĐC như bình thường theo đúng quy định của pháp luật. Hộ nào có đủ tiền được phép mua nhà TĐC ngay, hộ nào thiếu tiền đề nghị thành phố cho trả chậm. Về quỹ nhà TĐC, quận đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đấu nối điện, nước cho mỗi căn hộ để có thể đưa dân về ở. Trong tháng 6, quận Tây Hồ cam kết sẽ hoàn thành GPMB các hộ còn đang vướng mắc (ngoại trừ 81 hộ thuộc khu tập thể Bộ Tư lệnh công binh).

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nước sạch Hà Nội và các đơn vị liên quan trong ngày 15-6 phải thống nhất phương án và tổ chức đấu nước sạch cho tòa nhà B6B Nam Trung Yên để bố trí TĐC.

Chuyển thám sát khảo cổ sang vị trí khác

Vấn đề quan trọng liên quan đến dự án là việc các nhà khoa học khẳng định đây là một phần của thành cổ và yêu cầu dừng thi công từ giữa tháng 5-2010. Ngày 18-5, Ban QLDA Giao thông đô thị đã bàn giao mặt bằng (tại vị trí 2 trụ P1, P2 và mố A3, tổng diện tích 200m2) để các cơ quan chức năng thám sát, thu thập hiện vật. Song đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào vào thực hiện. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của toàn dự án. Ban đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào thám sát, sau đó bàn giao lại mặt bằng để thi công.

Sau khi nghe báo cáo của Viện Khảo cổ học, Ban Quản lý danh thắng, Ban QLDA Giao thông đô thị, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi và Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng đã thống nhất không tiến hành khảo cổ ở vị trí 2 trụ và 1 mố như đã xác định để chuyển sang vị trí khác (đoạn gần Nhà máy Bia Hà Nội). Như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu khảo cổ, vừa bảo đảm tiến độ thi công. Tại phần diện tích của 3 vị trí này, nhà thầu có thể thi công ngay. Trong quá trình thi công, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Ban Quản lý danh thắng phải cử người giám sát, thu thập cổ vật (nếu có).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng nhấn mạnh: Mục tiêu của thám sát, khảo cổ học đối với dự án là phải xác định được mặt cắt, niên đại cũng như kỹ thuật xây dựng thành ngày xưa. Vì vậy, chuyển sang vị trí khác còn nguyên vẹn sẽ thích hợp hơn cho công tác khảo cổ. Sau khi chọn được địa điểm phù hợp sẽ đào hết mặt cắt để xác định độ dày của thành, từ đó đào kéo dài sang hai bên. Những thông tin và hiện vật thu được từ việc thám sát tại vị trí mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho công tác khảo cổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thi công, tiến hành khảo cổ ở vị trí khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.