Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục phát hiện những cây bút mới

Thi Thi| 25/11/2012 08:27

(HNM) - Kết quả cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2011-2012 vừa được công bố trung tuần tháng 11 với 8 giải thưởng cho 13 tác phẩm thuộc hai thể loại văn xuôi và tranh truyện. Đây là cuộc vận động sáng tác lần thứ 7 trong khuôn khổ dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch và qua đó, đáng kể là sự xuất hiện của một số cây bút mới.


Tìm người mới

Nếu như cuộc vận động sáng tác 2010-2011 cũng rất nhọc nhằn mới tìm và bảo vệ được "danh hiệu" cho cô bé Vũ Hương Nam, một gương mặt mới giành giải nhất năm ấy, thì năm nay Ngọc Linh, người đoạt giải nhất thể loại văn xuôi cũng là người đoạt giải ở lần tham gia đầu tiên. Ngọc Linh hiện là biên tập viên của Alphabooks, cô mang đến cho cuộc vận động truyện ngắn "Bộ ba hoàn hảo" - kể về một cô bé trúng xổ số, hành trình cô cùng mèo và cún đi lĩnh thưởng… Nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng chung khảo đánh giá: Truyện tạo được sự ly kỳ, thu hút người đọc bởi chất hóm hỉnh trong đối đáp và sự đưa đẩy linh hoạt của câu văn. "Bộ ba hoàn hảo" đã vượt qua 256 tác phẩm được gửi đến để giành phiếu của Hội đồng chung khảo, trong đó có các nhà văn như Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến, Phan Triều Hải…


Tác giả Ngọc Linh đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Bí mật của tôi” với tác phẩm Bộ ba hoàn hảo.



Đối với bất kỳ cuộc thi nào, tìm được giải nhất xứng đáng, mà chủ nhân là cây viết mới đều đem đến niềm vui cho người chấm chọn. Năm nay, đó là niềm vui nhân đôi bởi bên cạnh Ngọc Linh, mảng văn xuôi giành giải cũng có những cây bút mới như Đinh Thị Thu Hằng, Phan Hà Anh, Lê Minh Nhựt… Trong đó, lần đầu tiên giải ghi nhận sự tham gia có chất lượng của một tác giả người Việt sống ở nước ngoài là Phan Hà Anh, như một tín hiệu đáng mừng về khả năng lan tỏa của cuộc vận động.

Năm nay, tranh truyện "lép" hơn khi không có tác phẩm đứng giải nhất, chỉ có hai giải nhì, hai giải ba và hai giải tư. Cái đáng để hài lòng phần nào là ở mảng này cũng có sự hiện diện của những tác giả lần đầu xuất hiện, trong đó có thể kể đến Phạm Diệu Ngọc (giải nhì) hay Lâm Việt Vương Quốc (giải tư)…

Níu người cũ


Tìm kiếm những gương mặt mới không có nghĩa là bỏ quên những cây bút cũ. Tuy thế, cho đến nay, qua 7 lần tổ chức, bồi dưỡng đến nơi đến chốn đối với những nhà văn "có duyên" viết cho thiếu nhi, khuyến khích họ theo đuổi nghiệp viết văn cho trẻ đã rõ là việc không dễ dàng dù thực tế cho thấy đã có một số thể hiện sự kiên định. Như Nguyên Hương, một nhà văn thực sự bền bỉ với những trang viết cho tuổi ương ương, như Nguyễn Thị Bích Nga, Thùy Dung, Đặng Ngọc Minh Trang… những tác giả đã có tên từ các cuộc thi trước.

Một trong những hoạt động gắn kết họ, tạo ra sự khác biệt cho cuộc vận động sáng tác này chính là những buổi trao đổi, tập huấn với các nhà văn, họa sĩ Đan Mạch theo chủ đề. Có thể thấy, đây là giải thưởng văn học hiếm hoi có các hoạt động chăm chút bồi dưỡng cho tác giả trước và sau trao giải. Năm nay là khóa tập huấn về "Tiểu thuyết đồ họa" (Graphic Novels). Tại đây, nhà văn, họa sĩ cả già lẫn trẻ của Việt Nam đã không ngần ngại thắc mắc những điều rất cụ thể. Từ việc phối hợp tranh với lời thế nào cho hiệu quả, khi nào sử dụng tranh miêu tả hành động, hội thoại; cách thức tạo ra một cảnh kịch tính; hay làm thế nào để tạo hấp dẫn bằng cách thay đổi địa vị cho nhân vật…

Những kỹ năng thu nhận được từ phương thức "truyền nghề" này tỏ ra khá hiệu quả. Ngọc Linh, người vừa đoạt giải nhất cũng tham gia tập huấn, cô cho rằng: Hoạt động này giúp bản thân mình cũng như nhiều người viết trẻ khác tiếp cận những kỹ năng sáng tác chuyên nghiệp hơn. Những người truyền nghề cho họ cũng là những nghệ sĩ đã thành danh nhờ truyện tranh. Trong đó, họa sĩ kiêm nhà văn Jan Kjaer Jensen (sinh năm 1971) là tác giả của hơn 40 tác phẩm, từng xuất bản ở 15 quốc gia trên thế giới. Còn nhà văn Merlin P.Mann (1971) cũng đã có hơn 30 tác phẩm được xuất bản ở 20 nước… Một cuộc cọ sát "người thật, việc thật" như vậy hẳn là có ý nghĩa với những cây bút nào thật sự muốn đi theo con đường này và tạo dấu ấn ở Việt Nam. Trên nhiều diễn đàn truyện tranh đã đặt vấn đề đánh giá về nền truyện tranh ở nước ta, các "fan" hâm mộ có nhiều ý kiến rất thú vị, nhận định chung là có nhân tài, song hoạt động lẻ tẻ, thậm chí họa sĩ đi làm thêm nghề khác, chưa được đầu tư để trở thành một đội ngũ mạnh…

Năm nay, như thông lệ, hai đơn vị tổ chức cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2011-2012 đã công bố những ấn phẩm mới để giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm đoạt giải lần thi trước. Cũng chưa có đánh giá về lượng phát hành tới độc giả. Thế mới biết, đường đến với công chúng của những tác phẩm hay, đoạt giải các cuộc thi rất nhọc nhằn, nhất là trong bối cảnh trẻ em cũng ham đọc nhanh, đọc giải trí.

Dự án nào cũng chỉ có thời hạn. Sự hỗ trợ của nước bạn Đan Mạch, như giới chuyên môn nhận định là đã góp phần "dấy lên không khí sáng tác mới, cũng như thêm sức hấp dẫn với người nhỏ tuổi", nhưng nhiệm vụ duy trì không khí ấy về lâu dài phải thuộc về những cây bút trong nước, cả cũ và mới. Một thời kỳ vàng nữa cho văn học thiếu nhi "Made in Viet Nam" (cả truyện tranh và truyện chữ) sẽ có thể bắt đầu từ những bước đi này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục phát hiện những cây bút mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.