(HNM) - Thiếu chính sách bảo đảm an sinh, thiếu kinh phí duy trì hoạt động… khiến nghệ nhân, thuộc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, phải gồng sức mưu sinh, chật vật “nuôi dưỡng” tình yêu di sản.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi (trái) trong một buổi biểu diễn cùng gia đình. |
Nỗi niềm nghệ nhân
Do tuổi cao, bệnh trọng, tháng 6 vừa qua, nghệ nhân hò Cửa Đình, Múa bài Bông Lương Tất Tố (76 tuổi), ở xã Quang Trung (Phú Xuyên) đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương cho hưởng chế độ trợ cấp nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ (về hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn). Thế nhưng, đơn không được chấp thuận vì mức thu nhập của ông vượt ngưỡng quy định… 60 nghìn đồng. Nghệ nhân Lương Tất Tố cho biết: “Với thu nhập gần 1,3 triệu đồng/tháng, tôi phải co kéo lắm mới đủ sống, giờ mang bệnh, càng thêm túng. Chỉ mong Nhà nước “nới” điều kiện hỗ trợ để chúng tôi vơi bớt khó khăn, từ đó có thể toàn tâm, toàn ý với trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản...”.
Nghệ nhân hát Dô Nguyễn Thị Lan ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai), dù được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt I, nhưng cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Điều này có nghĩa, ngoài hơn 10 triệu đồng tặng kèm danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015, suốt 30 năm truyền dạy điệu hát cổ, bà không có thêm khoản hỗ trợ nào khác. Mặc dù đời sống thiếu thốn, bệnh tật hành hạ, nhưng chưa ngày nào tình yêu di sản trong bà nguội lạnh. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan kể: “Nhiều lần chứng kiến câu lạc bộ miệt mài tập luyện, cán bộ xã khích lệ “cố gắng rồi sẽ có bồi dưỡng”.
Song, do địa phương còn nghèo, nên hứa rồi… để đó”. Khó khăn không kém là Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn ở xã Văn Nhân (Phú Xuyên). Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn Nguyễn Thị Ngoan cho biết: Cả hai nghệ nhân của câu lạc bộ đều được hưởng trợ cấp, song đời sống vẫn vô cùng khó khăn. Đặc biệt, cụ Nguyễn Thị Vượn đã hơn 90 tuổi, ốm yếu tới mức không còn khả năng truyền dạy. Việc học múa hát của câu lạc bộ hiện phụ thuộc chủ yếu vào các clip có sẵn trên mạng, không mong phát triển thêm”.
Nghệ nhân Lương Tất Tố và Nguyễn Thị Lan là 2 trong 617 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”; “Nghệ nhân ưu tú”. Phần lớn nghệ nhân được xét tặng đợt này đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” (75%); đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp (65%) và có hoàn cảnh sống khó khăn (85%). Thế nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp theo Nghị định 109. Theo ước tính của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay trên cả nước mới có khoảng vài chục nghệ nhân được hưởng trợ cấp theo Nghị định 109, trong đó, số nghệ nhân của Hà Nội đủ điều kiện nhận trợ cấp là 8/36 người.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến tre, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Góp phần không nhỏ trong việc giúp nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đất nước được UNESCO công nhận, song nghệ nhân lại chưa được hưởng chính sách đãi ngộ tương xứng. Ngoài những địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ riêng như: Bắc Ninh, Phú Thọ…, nhiều nơi khác nghệ nhân phải tự chèo chống để thực hiện trọng trách gìn giữ di sản. Như vậy, sẽ rất khó trong việc trao truyền những tinh túy cho thế hệ sau.
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, việc phong tặng danh hiệu mới chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần. Cùng với Nghị định 109, cần có thêm nhiều chính sách đồng bộ, cụ thể để lấp “lỗ hổng” chế độ đãi ngộ, góp phần làm nhẹ gánh mưu sinh, đồng thời tiếp sức họ trên con đường gìn giữ, phát huy di sản.
Bảo đảm an sinh cho các nghệ nhân
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam (bên trái) người “giữ lửa” ca trù xứ Đoài “Thượng Mỗ - Đan Phượng - Hà Nội” hướng dẫn thế hệ trẻ làm quen với môn nghệ thuật này. |
Nghệ nhân như con tằm rút ruột nhả tơ. Cả đời cống hiến, lao động nghệ thuật của họ chỉ được nuôi dưỡng bằng nguồn duy nhất là tình yêu nghệ thuật. Phần lớn họ là lao động tự do nên cuộc sống khá khó khăn và không có chế độ đãi ngộ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giữ gìn, trao truyền giá trị di sản văn hóa. Danh hiệu, nếu không đi kèm với những đãi ngộ xứng đáng, bảo đảm an sinh, nghệ nhân sẽ vẫn "đơn thương độc mã" trên con đường bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với nghệ nhân dân gian, tạo môi trường, điều kiện cho họ phát huy hiệu quả tri thức, thực hành di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân gian độc đáo.
Thông tin này đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội. Rất nhiều chuyên gia lĩnh vực di sản văn hóa cho rằng, hoàn thiện chế độ, chính sách cho nghệ nhân không chỉ là câu chuyện tri ân những đóng góp, mà còn là hành động thiết thực để khuyến khích họ ươm mầm cho thế hệ tiếp nối, đặc biệt trong hoàn cảnh lớp nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, không còn nhiều quỹ thời gian.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Đức Thịnh, trước mắt, thiết thực nhất đối với các nghệ nhân hiện nay là chế độ bảo hiểm y tế, hỗ trợ để họ tiếp tục làm nghề. Ngoài ra, họ cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để biểu diễn, bảo tồn và truyền dạy vốn cổ. Về lâu dài, theo ông Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cần có những chính sách vừa cụ thể, vừa tổng thể, theo giai đoạn, quy trình, xuyên suốt và có tính lâu dài. Có thể chia theo các cấp độ như: Chính sách bảo đảm an sinh cho nghệ nhân, thể hiện bằng các nội dung trợ cấp sinh hoạt, trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chăm sóc y tế…; chính sách tri ân công lao, công sức nắm giữ, thực hành di sản của nghệ nhân, hỗ trợ nghệ nhân thực hành biểu diễn, sáng tạo văn hóa; chính sách phát huy trí tuệ nghệ nhân, giúp họ sử dụng, phát huy hiệu quả các tri thức mình đang nắm giữ, thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.