(HNMCT) - Năm 2020, văn học Việt Nam chứng kiến sự “lên ngôi” của dòng tiểu thuyết lịch sử và mạch chảy ấy lại tiếp tục với nhiều tác giả chuyên và không chuyên.
Những năm qua, có thể thấy sự phát triển của dòng văn học lịch sử với sự góp mặt của nhiều tác giả tên tuổi như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Thái Bá Lợi... và lớp sau đó là Nguyễn Thế Quang, Trần Thanh Cảnh, Uông Triều, Phùng Văn Khai, Bùi Việt Sỹ, Võ Khắc Nghiêm, Đặng Ngọc Hưng, Trương Thị Thanh Hiền...
Nhìn vào đội ngũ sáng tác gần đây, chúng ta thấy bên cạnh những cây bút kỳ cựu, bắt đầu xuất hiện những nhân tố mới, đã và đang khẳng định mình như Thiên Sơn, Nguyệt Chu, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Hằng, Trường An... Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Sáng tạo lịch sử giờ đây không còn là “sân chơi” của các nhà văn thành danh mà còn là nơi “thử bút” của các tác giả trẻ, không chuyên. Cảm thức và lối viết lịch sử cũng có nhiều sự tìm tòi, đổi mới. Tiếp thu kinh nghiệm của các tên tuổi thành danh, nhiều tác giả trong chặng đường này đã tỏ ra quyết liệt hơn với những lựa chọn và thể hiện lịch sử mang màu sắc cá nhân. Họ dám xông pha vào những địa hạt vốn trống vắng sử liệu”.
Tuy nhiên, mặc dù tiểu thuyết lịch sử gần đây tạo được nhiều dấu ấn mới, song lại thiếu những hiện tượng thật sự làm nóng văn đàn Việt như một thời của “bộ ba nổi loạn” - “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”, “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp, “bộ ba nặng ký” - “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, hay cách đây chưa lâu là hai bộ sách đồ sộ - “Tám triều vua Lý”, “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải... Có ý kiến cho rằng, sức lan tỏa của thể loại tiểu thuyết lịch sử chưa mạnh, thậm chí có những tác phẩm chỉ được độc giả biết đến khi được xướng tên ở giải thưởng của các hội, đoàn. Chính điều này cũng khiến người đọc nghi ngại về tính thuyết phục và giá trị của tác phẩm. Chính vì thế, đề tài lịch sử càng cần được khuyến khích phát triển.
Trên thị trường, truyện lịch sử phải cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều thể loại văn học mạng, trong khi các đơn vị làm sách chưa quan tâm đầu tư nhiều vào dòng sách này. Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn chủ yếu cấp giấy phép cho các đơn vị, NXB Trẻ mấy năm qua giới thiệu khoảng hơn chục đầu sách của các cá nhân, NXB Phụ nữ có lẽ là đơn vị đầu tư in ấn, phát hành nhiều tiểu thuyết lịch sử nhiều hơn cả.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ, cho hay: “Dòng sách tiểu thuyết lịch sử chiếm khoảng 20% trong tổng số sách văn học Việt Nam được chúng tôi đầu tư xuất bản, rất nhiều tên tuổi đã chọn lựa hợp tác với chúng tôi để cho ra đời đứa con tinh thần. Cũng phải nói rằng, việc đầu tư in tiểu thuyết lịch sử rất tốn kém, sách dày sẽ đội giá in, muốn làm đẹp cho bắt mắt thì giá bìa càng phải tăng, nên ảnh hưởng đến sức mua của bạn đọc”.
Đã và đang có nhiều nhà văn say mê sáng tạo dựa trên những tư liệu lịch sử với những cách lý giải riêng, góp phần làm sinh động lịch sử, trong đó có những tác giả trẻ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự quan tâm nhiều hơn đến người viết đề tài lịch sử thông qua các quỹ hỗ trợ sáng tác, đầu tư cho các nhà xuất bản xây dựng đề tài sách, và cấp kinh phí xuất bản, in ấn.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Các đơn vị chức năng, đơn vị làm sách và cả người viết nữa, cần tập trung quảng bá và hỗ trợ quảng bá tác phẩm có chất lượng cao. Tác phẩm tốt càng phải quảng bá. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì tôi tin tiểu thuyết lịch sử nói riêng, sáng tác văn học nói chung sẽ khởi sắc”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, lịch sử là đề tài vô tận. Người viết văn rất khác người viết sử. Lịch sử diễn ra thế nào thì người viết sử phải chép lại trung thành như thế. Còn nhà văn có lợi thế đi sâu vào nội tâm của nhân vật và mỗi người có cách thể hiện, lý giải lịch sử theo những chiều hướng khác nhau. Vì thế, người viết cũng phải không ngừng học hỏi và trang bị sâu các kiến thức lịch sử để có thể phân tích, lý giải vấn đề lịch sử một cách thuyết phục.
Hiện, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát động Giải thưởng Tác giả trẻ dành cho tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước có độ tuổi từ 35 trở xuống với mong muốn qua đó phát hiện tài năng văn học trẻ, khuyến khích, cổ vũ, đào tạo, bồi dưỡng các tác giả gắn bó lâu dài với công việc cầm bút, đóng góp cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam. Đây cũng là một trong kênh quan trọng để các tác phẩm về đề tài lịch sử được biết đến nhiều hơn.
Ngoài ra, để đưa tiểu thuyết lịch sử đến với công chúng, rất cần sự kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan để xây dựng các tiết đọc sách trong các trường học, qua đó khơi gợi niềm yêu thích của học sinh đối với văn học, lịch sử nước nhà. Các cuốn hay và được giải thưởng cao nên được Nhà nước hỗ trợ để tăng số lượng xuất bản, tăng kinh phí để truyền thông sâu rộng đến bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.