(HNM) - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Theo chỉ đạo này, các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được tổ chức ngay trong tháng 2-2023 cùng với việc công bố các đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến tiếp cận vốn vay.
Đây không phải là chuyện mới bởi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn.
Khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với vấn đề tiếp cận vốn tín dụng trong năm 2022 cho thấy, có 43% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay cao; 35,8% doanh nghiệp có ý kiến thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian; 35,3% doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất của Nhà nước; 31,7% doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.
Thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng và số còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí rất cao.
Có nhiều lý do để giải thích, nhưng chủ yếu xuất phát từ phương án kinh doanh của doanh nghiệp không đủ sức thuyết phục và không ít doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm do đã mang ra vay nợ trong thời gian trước nên gặp khó với các khoản vay mới.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp và ngân hàng ngồi lại với nhau, để có sự thấu hiểu, tạo điều kiện cho nhau, cùng nhau giảm rủi ro trong cung ứng vốn, có giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp là nguồn “năng lượng” chính giúp doanh nghiệp vượt khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.