Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp cận công bằng vắc xin phòng Covid-19: Sử dụng hiệu quả “tài nguyên” chung

Minh Hiếu| 16/03/2021 06:28

(HNM) - Trong khi hàng triệu liều vắc xin đang được tích trữ và chưa sử dụng ở một số nước phát triển, thì tại nhiều quốc gia khác, nguồn cung khan hiếm cùng những rào cản trong việc tiếp cận “tài nguyên” chung này khiến nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng để ứng phó với dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Điều này càng cho thấy sự cấp thiết của việc phân phối và sử dụng hiệu quả "tài nguyên" vắc xin phòng Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.

Nỗ lực tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân đang được các nước tích cực triển khai.

Theo Hãng tin CNN (Mỹ), tính đến cuối tuần trước, ít nhất 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đã sử dụng hơn 355 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Trung bình, cứ 100 người thì có 4,6 mũi tiêm và sự chênh lệch giữa các quốc gia là rất lớn. Chiến lược triển khai vắc xin ở từng nước có sự khác biệt với các quy trình phê duyệt khác nhau và không phải tất cả các nước đều có thỏa thuận riêng với nhà sản xuất. Một số nước ủng hộ việc tiêm chủng trên diện rộng càng nhanh càng tốt, trong khi các nước khác lại cố gắng tập trung nguồn lực cho các nhóm đối tượng cụ thể, chủ yếu là nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Ước tính, 10 nước giàu có đang sở hữu tới 80% lượng vắc xin phòng Covid-19 và những nước này đều có kế hoạch sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người dân trong vài tháng tới. Hôm 11-3, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt thêm một loại vắc xin phòng Covid-19 của Hãng dược Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là loại vắc xin thứ 4 được EU cấp phép sử dụng, mở đường cho những liều đầu tiên thuộc loại này được giao trong vòng một tháng tới. Theo Hãng tin AP (Mỹ), hiện tại Mỹ đang tích trữ hàng chục triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) nhưng chưa sử dụng, trong khi những nước đã phê duyệt loại vắc xin này lại đang xoay xở để có được nguồn cung. Nhiều đối tác của Mỹ đã đề nghị Tổng thống Joe Biden “mở kho” vắc xin với lập luận rằng Washington đã tích trữ đủ vắc xin cho mọi công dân trưởng thành của nước này tiêm chủng đến cuối tháng 5 và cho toàn bộ dân số Mỹ đến cuối tháng 7 năm nay.

Việc các quốc gia với nguồn lực tài chính dồi dào tìm kiếm nguồn cung và tăng tốc độ thu mua vắc xin để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong nước trong khi năng lực sản xuất vắc xin trên thế giới có giới hạn khiến những nước khác lâm vào tình trạng thiếu hụt hoặc không thể mua được vắc xin. Nhiều nước hiện chỉ còn trông đợi vào Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX), một cơ chế được khởi xướng nhằm hỗ trợ cung cấp vắc xin cho các nước có thu nhập thấp hơn. Các chuyên gia dự báo phần lớn châu Phi, một số quốc gia Mỹ Latinh và châu Á sẽ chưa thể tiêm phòng cho hầu hết người dân của mình trước năm 2023 hoặc 2024. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ mất nhiều năm trước khi cuộc sống trở lại bình thường tại các nước nghèo, nơi đã chứng kiến hơn 100 triệu người tái nghèo trong năm 2020. Trong khi đó, dịch Covid-19 kéo dài sẽ đè gánh nặng lên hệ thống y tế cùng các ổ dịch không được kiểm soát kịp thời là điều kiện để các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 bùng phát, kèm nhiều hệ lụy.

Thông điệp ủng hộ cung cấp vắc xin bình đẳng "#OnlyTogether" (Chỉ có thể cùng nhau) do Liên hợp quốc phát động đang được tích cực lan tỏa trên mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải phối hợp toàn cầu để các nước đều có thể tiếp cận vắc xin. Các nước có thể ủng hộ cung cấp vắc xin bình đẳng thông qua việc chia sẻ nguồn vắc xin chưa cần sử dụng, chuyển giao công nghệ và tự nguyện bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ, cho phép các nước khác sử dụng bản quyền vắc xin phòng Covid-19. Qua đó, "tài nguyên" vắc xin quý giá sẽ được sử dụng hiệu quả và trở thành tấm lá chắn hữu hiệu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận công bằng vắc xin phòng Covid-19: Sử dụng hiệu quả “tài nguyên” chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.