Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng phong cầm quyến rũ

ANHTHU| 12/04/2005 08:36

Buổi biểu diễn duy nhất trong chuyến về Việt Nam lần này của nghệ sĩ đàn phong cầm (accordeon) Nguyễn Trọng Phương được tổ chức tại Phòng hòa nhạc - Nhạc viện Hà Nội. Anh cùng vợ là nghệ sĩ đàn piano người Nhật Miho Sanou thực hiện một chương trình duo (song tấu) trong đó có những bản nhạc viết chủ yếu cho đàn accordeon.

Buổi biểu diễn duy nhất trong chuyến về Việt Nam lần này của nghệ sĩ đàn phong cầm (accordeon) Nguyễn Trọng Phương được tổ chức tại Phòng hòa nhạc - Nhạc viện Hà Nội. Anh cùng vợ là nghệ sĩ đàn piano người Nhật Miho Sanou thực hiện một chương trình duo (song tấu) trong đó có những bản nhạc viết chủ yếu cho đàn accordeon.

Chương trình được cấu trúc rất có dụng ý, với những tác phẩm của các tác giả ở nhiều trường phái, nhiều thời đại khác nhau, cổ điển có, hiện đại có..., cho phép Nguyễn Trọng Phương thểhiện được khả năng biểu diễn đa dạng của mình như: Cesar Frank (thế kỷ XIX), Saint - Scean (thế kỷ XIX - đầu XX), Costa Fotopoulos (1972); có bản mang sắc thái dân tộc độc đáo (như Ibuki Op.27 của nhà soạn nhạc Nhật Bản Noriko Motomatsu sinh năm 1977). Anh rất thành công với chùm tác phẩm của nhạc sĩ Italia Astor Piajjalla (1921-1992). Tiếng đàn của Nguyễn Trọng Phương cho thấy tài nghệ điêu luyện và sự chín muồi về diễn cảm, quyến rũ khán giả, cả những khán giả khó tính nhất - giới chuyên môn. Tiếng đàn ấy một mặt thể hiện được nét tiêu biểu trong phong cách sáng tác của mỗi nhạc sĩ, mặt khác có được âm sắc riêng của Nguyễn Trọng Phương. Cũng có thể nói đây là lần đầu tiên khán giả trong nước được nghe diễn tấu bằng cây đàn phong cầm bouton - accordeon (phím piano ở tay phải được thay bằng những nút bấm - cây đàn này dùng cho các nghệ sĩ độc tấu, trị giá 25.000 USD). Đây là một buổi diễn hoàn hảo.

Nguyễn Trọng Phương bắt đầu học đàn accord phím piano từ nhỏ, tại Quảng Ninh quê hương. Năm 1980, anh được nhận vào Khoa Accordeon của Nhạc viện Hà Nội, theo học hệ trung cấp đến năm 1985, dưới sự giảng dạy của Nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh. Ngay từ những năm đầu tiên, thầy Minh đã nhận xét Phương có tiếng đàn đẹp, nhạc cảm tốt và rất say mê học. Đó là những tố chất cơ bản rất cần thiết cho một nghệ sĩ biểu diễn đàn. Các thầy trong khoa cũng đánh giá cao khả năng tiềm ẩn trong tiếng đàn của Phương.

Năm 16 tuổi, Phương đến Hồng Kông, đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là của vị giáo sư danh tiếng quốc tế Owen Muray, Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh. Năm 1993, anh chuyển sang Luân Đôn học tập. Được đào tạo cẩn thận ở đẳng cấp cao, tiếp thu được tinh hoa âm nhạc châu Âu trên cơ sở nhạc Việt Nam tinh tế, Phương đã đi xa trong sự nghiệp diễn tấu. Là sinh viên giỏi của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, anh có nhiều cơ hội biểu diễn với tư cách nghệ sĩ độc tấu ở các sân khấu lớn tại Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ca-na-đa, Hà Lan, Đức, áo... Anh đã biểu diễn và là thành viên Ban giám khảo tại cuộc thi Accordeon quốc tế Ai-len và cuộc thi quốc tế Bắc Kinh lần thứ 5.

Ngoài những chương trình độc tấu, Nguyễn Trọng Phương còn tham gia biểu diễn cùng với nhiều dàn nhạc lớn như: Dàn nhạc Giao hưởng BBC, Dàn nhạc Giao thưởng ONGH Italia, dàn nhạc SWH của Baden - Baden (Đức), Dàn nhạc Nhà hát Hoàng gia Luân Đôn v.v... Anh đã nhận giải nhất Cuộc thi Accordeon Virtuoso toàn nước Anh, hai lần là người chiến thắng trong cuộc thi Concordia Foundation, vào bán kết cuộc thi quốc tế Wingate, vào chung kết cuộc thi Greenway... Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, Nguyễn Trọng Phương đã lưu diễn tại Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ai-len, Hồng Kông... Tháng 4-2002, anh kết hôn với nữ nghệ sĩ Miho Sanou (giải nhất cuộc thi piano trẻ 1992, giải nhất cuộc thi độc tấu và concerto của trường piano Bắc Luân Đôn...). Họ trở thành cặp duo rất được hoan nghênh ở những nước họ đến biểu diễn và giảng dạy.

Nguyễn Trọng Phương đã nghẹn lời khi cảm ơn nhạc viện, “nơi tôi nghĩ tới đầu tiên khi đặt chân đến Hà Nội”. Và anh mong lại sớm về Việt Nam biểu diễn.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng phong cầm quyến rũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.