Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng chuông cảnh tỉnh từ Bắc Âu

Quỳnh Chi| 25/05/2013 06:13

(HNM) - Hình ảnh đẹp đẽ lâu nay về một đất nước Thụy Điển thanh bình đang có nguy cơ bị sứt mẻ vì các cuộc bạo động xảy ra liên tiếp tại khu vực ngoại ô thủ đô Stockholm trong 5 ngày qua.


Bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Fredrik Reinfeldt, đêm 23-5, ở khu Rinkeby, một khu vực người nhập cư chiếm đa số tại Stockholm, khoảng 300 đến 500 thanh niên quá khích đã đổ ra đường quậy phá, đốt cháy nhiều xe hơi. Một ngôi trường ở khu ngoại ô Tensta, cũng bị đám đông quá khích phóng hỏa. Không dừng lại ở đó, những kẻ quậy phá đã tấn công đồn cảnh sát tại quận Kista và hai đồn cảnh sát khác ở phía nam Stockholm. Tính đến thời điểm này, bạo loạn đã lan tới 7 vùng ngoại ô của Stockholm mà chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều xe ô tô tiếp tục bị đốt phá tại ngoại ô Stockholm trong ngày 23-5.


Có thể nói các cuộc bạo động xảy ra ở một trong những thủ đô giàu có nhất Châu Âu đã gây bất ngờ cho chính Thụy Điển - đất nước vốn luôn tự hào về công bằng xã hội của mình. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc cảnh sát nổ súng bắn chết một ông già 69 tuổi ở vùng ngoại ô Husby khi ông này đang cầm dao và có biểu hiện mất kiểm soát. Tuy nhiên, việc này đã thổi bùng cơn giận dữ ở những người nhập cư trẻ trong khu vực, vốn nhiều lần lên tiếng chỉ trích cảnh sát hành xử mạnh tay và có phần phân biệt đối xử.

Trên thực tế, bạo loạn tại Thụy Điển chưa đến mức nghiêm trọng như từng xảy ra ở Pháp và Anh vào hai mùa hè trước, nhưng một lần nữa cho thấy biện pháp giảm chi gây khó khăn cho người nghèo có thể mang đến nguy cơ mất ổn định xã hội. Hay nói cách khác, sau nhiều thập kỷ áp dụng "mô hình Thụy Điển", trong đó coi trọng phúc lợi bình đẳng cho mọi người, Stockholm đã giảm dần vai trò của nhà nước khiến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tại nước này tăng mạnh nhất so với bất kỳ nền kinh tế nào trong số 30 thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD). Phúc lợi xã hội dành cho bệnh nhân, người thất nghiệp, hưu trí… ít dần đi, nhất là sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát năm 2008. Dù mức sống trung bình của người dân Thụy Điển vẫn cao nhất ở Châu Âu, nhưng chính phủ nước này lại chưa làm được gì nhiều để giảm tỷ lệ thất nghiệp kéo dài cho thanh niên và giúp đỡ người nghèo.

Theo nhiều nhà phân tích, vụ việc cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi liệu Stockholm sẽ làm cách nào để đối diện với tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ và làn sóng nhập cư hiện nay. Nhiều năm qua, chính sách nhập cư thông thoáng của Thụy Điển đã thu hút một lượng lớn người dân ở nhiều nước khắp thế giới. Tuy nhiên, trái với sự cởi mở trong chính sách, người di dân rất khó kiếm việc làm và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập, cho dù Chính phủ Thụy Điển có các chương trình hỗ trợ. Do đó, tình trạng nhiều cộng đồng người nhập cư bị cô lập với xã hội trở nên khá phổ biến. Hiện tại, khoảng 15% dân số Thụy Điển là người nhập cư và tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng này ở mức 16%, cao hơn tỷ lệ 6% của người bản địa.

Theo tin từ Chính phủ Thụy Điển, dự kiến thâm hụt ngân sách của nước này ở mức 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và 1% GDP năm 2014; nợ công năm 2013 sẽ tăng lên 42% GDP, so với mức 38,2% GDP trong năm 2012. Đây là những con số khá lý tưởng nếu so với nhiều quốc gia Châu Âu vào thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Xã hội đối lập đang tích cực "khoét sâu" vào tỷ lệ thất nghiệp - có thể nhích lên tới 8,3% và 8,4% năm 2014 - nhằm hạ thấp tín nhiệm của liên minh cầm quyền. Nếu không nhanh chóng đưa ra những biện pháp chấm dứt tình trạng bạo lực ở ngoại ô Stockholm, uy tín của Thủ tướng Reinfeldt có thể sẽ sụt giảm nhanh chóng, gây bất lợi cho liên minh trung hữu cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm sau. Đồng thời, sự bùng nổ bạo loạn tại Thụy Điển cho thấy rằng, ngay cả ở những nơi ít chịu tác động của khủng hoảng nợ, chuyện "thắt lưng buộc bụng" cũng mang đến nhiều vấn đề về xã hội. Bạo loạn tại quốc gia Bắc Âu là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với Châu Âu trong việc lựa chọn và áp dụng chính sách đối phó với cơn suy thoái tài chính hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng chuông cảnh tỉnh từ Bắc Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.