(HNM) - Dịch vụ chữ ký số công cộng được áp dụng phổ biến trong các giao dịch thương mại điện tử nhằm chứng thực người tham gia giao dịch, xác thực tính an toàn của giao dịch điện tử qua mạng. Sau 11 năm cung cấp trên thị trường, dịch vụ này đã giúp mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Dịch vụ chữ ký số công cộng được các nhà cung cấp dịch vụ trong nước ra mắt từ năm 2009. Chữ ký số có giá trị pháp lý và được coi là chứng cứ ký số vào thông điệp dữ liệu (văn bản điện tử, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử...).
Phụ trách Phòng Kế toán tại Công ty Xuất khẩu lao động Trường Gia (địa chỉ ngõ 89 Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) bà Hồng Oanh cho biết, dịch vụ chữ ký số rất tiện lợi cho doanh nghiệp. “Công ty chúng tôi dùng dịch vụ này đã 10 năm và nhận thấy dịch vụ chữ ký số không chỉ bảo mật, an toàn cho doanh nghiệp, mà còn giúp tiết kiệm chi phí về thời gian, đi lại...” - bà Hồng Oanh thông tin.
Còn bà Phương Mai, bộ phận kế toán - tài chính của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Én Việt (địa chỉ đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) thông tin: "Vào những lúc cao điểm của kỳ quyết toán thuế cuối năm, nếu không có dịch vụ chữ ký số thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, nên có dịch vụ này chúng tôi chỉ cần thực hiện các thao tác qua mạng như gửi tờ khai và xác nhận là thành công".
Là một trong số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số, bà Trần Thị Thu Giang, Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp (Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội) giới thiệu thêm, ngoài cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, chữ ký số còn được ứng dụng cho cá nhân để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, dành cho trang web (website) và cho ứng dụng (Code Signing). “Chữ ký số vừa giúp cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, vừa giúp tiếp cận cơ hội kinh doanh ở trong nước và quốc tế” - bà Trần Thị Thu Giang bổ sung.
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động (năm 2019) đạt khoảng 1,27 triệu chứng thư (cấp cho doanh nghiệp, người dân). Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động khoảng 220.000 chứng thư số (cấp cho cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức).
Đánh giá về thị trường dịch vụ này, ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng đã tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ riêng năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp mới giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 5 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 14 đơn vị được cấp phép (tăng 55% so với cùng kỳ năm trước). Trong số 14 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay, có các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ hàng đầu như VNPT, BKAV, FPT, Viettel...
Rõ ràng, sự tăng trưởng về số đơn vị đăng ký cung cấp dịch vụ và khách hàng cho thấy, với sự phát triển của công nghệ và các dịch vụ, trong thời gian tới lượng người dùng chữ ký số công cộng tiếp tục tăng trưởng mạnh; đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số. Do vậy, các vấn đề về an toàn, an ninh phải được đặt ra.
Theo ông Đặng Đình Trường, cùng với cung cấp dịch vụ chứng thực cho các doanh nghiệp triển khai tới khách hàng, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia còn xây dựng hành lang pháp lý (dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử) để triển khai dịch vụ này. Cuối tháng 12-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn xin ý kiến các thành viên Ủy ban quốc gia về chữ ký số nội dung dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Sau khi có ý kiến trả lời, trung tâm sẽ hoàn thiện dự thảo trình lãnh đạo Bộ để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ xem xét, ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.