Cải cách hành chính

Hà Nội “phổ cập” chữ ký số

Tiến Thành 31/03/2024 06:59

Hà Nội là một trong những địa phương đã và đang tích cực triển khai chữ ký số để việc thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử được nhanh chóng, thuận tiện.

Nỗ lực này góp phần xây dựng công dân số, chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

chu-ky-so.jpg
Cấp chữ ký số miễn phí cho người dân tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (quận Hoàn Kiếm).

Dần đi vào cuộc sống

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính - Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố Hà Nội, đến nay, 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố. Thành phố cũng đã triển khai cấp gần 50.000 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số, hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai cấp 155 chữ ký số cá nhân (đạt 100%) cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng UBND thành phố, phục vụ xử lý, phát hành văn bản, hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố. “Kể từ tháng 9-2023, Văn phòng UBND thành phố đã thực hiện xử lý văn bản điện tử toàn trình có gắn chữ ký số cá nhân của người có thẩm quyền là lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố đối với tất cả các văn bản, hồ sơ công việc thuộc thẩm quyền ban hành của Văn phòng trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố”, ông Cù Ngọc Trang nói.

Trong ngành Giáo dục, 100% trường tiểu học đã trang bị chữ ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; trên 60% giáo viên, nhân viên đã được trang bị chữ ký số cá nhân. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, Sở đang đẩy mạnh cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên nhằm hoàn thành thí điểm học bạ số cấp tiểu học theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở cũng đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp mở rộng triển khai cho các cấp học khác, đồng thời phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thống nhất toàn thành phố.

Là địa phương đi đầu trong việc cấp chữ ký số miễn phí cho người dân với hơn 20.000 chữ ký số được cấp cho người dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc nhận định, công tác tuyên truyền, vận động đăng ký cấp chữ ký số miễn phí cho công dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự đi vào cuộc sống hỗ trợ người dân thực hiện những thủ tục hành chính, dịch vụ công, với đúng ý nghĩa “không giới hạn về không gian, thời gian”. Việc cấp chữ ký số rộng rãi cũng giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và giảm tải công việc cho cán bộ. “Mỗi cán bộ, công chức từ cấp phường cần là một tuyên truyền viên, gương mẫu đi đầu kích hoạt, sử dụng chữ ký số thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc chia sẻ về kinh nghiệm phổ biến rộng rãi chữ ký số trên địa bàn quận.

Tiếp tục cấp miễn phí

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai áp dụng chữ ký số trên địa bàn Hà Nội còn chưa đồng bộ, thống nhất, việc phối hợp vẫn còn lúng túng, đặc biệt là sử dụng chữ ký số của cơ quan tổ chức và người có thẩm quyền. Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa hoàn thành mục tiêu 100% công dân được cấp chữ ký số miễn phí phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử trong năm 2023 theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của chữ ký số và sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử. Các doanh nghiệp được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai cấp chữ ký số có trách nhiệm tăng cường bố trí nhân lực tại bộ phận “một cửa” sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, việc vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố bảo đảm đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định. Đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của thành phố. Trong đó, toàn bộ dữ liệu của công dân, doanh nghiệp được số hóa, xác thực bằng chữ ký số của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, tiếp tục được lưu trữ trên kho dữ liệu, phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính lần sau thuận tiện, nhanh chóng, đúng quy định.

Chữ ký số cá nhân là chữ ký điện tử có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân, được dùng với mục đích xác thực danh tính của người ký. Thực tế triển khai tại Hà Nội cho thấy, đây là công cụ quan trọng giúp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình mọi lúc, mọi nơi, rút ngắn thời gian giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân, cũng như bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành của chính quyền Thủ đô.

----------

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Quyết định đến việc chuyển đổi số

yk-phamtuanlong.jpg

Việc quận Hoàn Kiếm triển khai cấp miễn phí chữ ký số trong các ngày tổ chức phố đi bộ vừa mang tính tuyên truyền, hướng dẫn vừa tặng cho bất cứ công dân nào có nhu cầu chữ ký số để sử dụng ở mọi lúc mọi nơi. Đây cũng đánh dấu một bước tiến rất lớn trong công cuộc chuyển đổi số của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ với việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, cán bộ, công chức sử dụng hoàn toàn chữ ký số để thực hiện các quy trình, nghiệp vụ trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 100% văn bản đều được chuyển nhận trên môi trường mạng, giúp giảm được nhiều chi phí vận hành và giảm thời gian lưu chuyển văn bản trong các đơn vị. Qua quá trình thực hiện phương thức làm việc mới, quận Hoàn Kiếm thấy rằng, chữ ký số chính là một trong những yếu tố có tính quyết định đến công tác chuyển đổi số hiện nay.

Chuyên viên Trung tâm Thông tin điện tử (Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) Phạm Văn Linh:
Giúp phân quyền trong cơ quan, đơn vị

yk-phamvanlinh.jpg

Qua sử dụng chữ ký số trong quá trình tham mưu, xử lý văn bản, bản thân tôi nhận thấy rằng chữ ký số cá nhân đã giúp tôi tiết kiệm tối đa thời gian, các chi phí hành chính như giấy in, mực in tại cơ quan. Thay vì phải in tài liệu, lưu trữ và ký tay từng văn bản như trước đây, giờ đây chúng tôi hoàn toàn có thể ký tắt hàng loạt văn bản điện tử ngay trên máy tính và gửi trực tiếp cho lãnh đạo các cấp. Ngay cả khi lãnh đạo không có mặt tại cơ quan hoặc vào ngày nghỉ, việc ký số vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được trên ứng dụng điện thoại với giải pháp ký số từ xa.

Đặc biệt, chữ ký số còn có khả năng phân quyền sử dụng giữa các phòng, ban, đơn vị trong cơ quan, làm giảm thời gian di chuyển, in ấn, hay chờ tới lượt ký. Rõ ràng, việc áp dụng chữ ký số cá nhân trong quá trình xử lý văn bản toàn trình đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhân viên kế toán Công ty cổ phần Stromann (quận Hà Đông) Tạ Thị Thu:
Tiện lợi cho doanh nghiệp

yk-tathithu.jpg

Việc sử dụng chữ ký số đã cho thấy rõ những ưu điểm vượt trội cả về thời gian, không gian cũng như những tiện ích trong việc lưu trữ hồ sơ công việc. Chữ ký số cũng tăng mức độ bảo mật và an toàn đối với các văn bản, chứng từ trong quá trình giao dịch với khách hàng so với chữ ký tay truyền thống.

Cùng với đó, chữ ký số rất tiện lợi cho doanh nghiệp. Sau khi tạo lập hồ sơ trên máy, thay vì phải in ra giấy và ký tay các hợp đồng, giấy tờ thủ tục hành chính rồi gửi cho đối tác hoặc quét chụp hồ sơ để nộp trực tuyến lên cổng dịch vụ công, tôi sử dụng ký số nên vẫn ở ngay văn phòng và làm nhanh gọn qua mạng các thủ tục này. Vào những lúc cao điểm của kỳ quyết toán thuế cuối năm, nếu không có chữ ký số thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Cuối năm 2023, chúng tôi chỉ cần thực hiện các thao tác qua mạng như gửi tờ khai và xác nhận là thành công.

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội “phổ cập” chữ ký số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.