(HNMO) - Mặc dù từ 13/4, lãi suất huy động USD bị khống chế ở mức trần 3% nhưng số dư tiền gửi bằng ngoại tệ trong tháng này vẫn tăng 1,46%.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình tiền tệ, tín dụng trong tháng 4/2011 cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 4 ước giảm 1,09% so với tháng trước. Tuy nhiên, mức giảm chủ yếu từ tiền gửi VND bởi trong con số trên, tiền gửi bằng VND giảm 1,84%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 0,46%.
Như vậy, mặc dù lãi suất huy động USD bị siết nhưng tiền gửi ngoại tệ vẫn tăng. Ngày 9/4 Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 09/2011/TT-NHNN quy địnhlãi suất huy động tối đa bằng USD của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ tổ chức tín dụng) là 1%/năm; lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú 3%/năm, kể từ ngày 13/4. Theo đó, từ ngày 13/4, lãi suất huy động USD giảm khoảng 2%, còn bình quân là 2,66%/năm.
Lãi suất huy động USD bị siết nhưng tiền gửi ngoại tệ vẫn tăng. Ảnh minh họa |
Từ số dư tiền gửi ngoại tệ tháng 4 có thể thấy, sau khi lãi suất huy động giảm xuống mức trần 3%, không có hiện tượng người dân ồ ạt chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND thay vì USD dù cho lãi suất nội tệ cao hơn tới 11%/năm.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động VND ít biến động so với cuối tháng 3. Lãi suất huy động không kỳ hạn phổ biến ở mức 3-4%/năm, cá biệt có một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ áp dụng mức lãi suất 6-9%/năm. Nhìn chung các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất huy động vốn tối đa 14%/năm, lãi suất huy động bình quân 13,41%/năm. Lãi suất cho vay VND tăng khoảng 1%/năm so với cuối tháng 3. Lãi suất cho vay VND bình quân ở mức 17%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 16-17,5%, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu là 14-16%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất (kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) là 18%-22%/năm.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong tháng 4 ước tăng 0,11% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND tăng 0,14%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,02%. Còn so với cuối năm trước, tín dụng tăng 5,01%. Tổng phương tiện thanh toán giảm khoảng 0,72% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cuối năm 2010; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng lần lượt 1,45% và 4,12%.
Một điều đáng chú ý trong tháng 4 là thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực. “Trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã diễn biến theo chiều hướng tích cực với mức âm giảm dần, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng."-Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Chính vì thế, doanh nghiệp mua ngoại tệ cũng đã dễ hơn. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đã mua được khoảng 898 triệu USD để thanh toán nhập khẩu xăng dầu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.