(HNM) - Những đoàn khách quốc tế đầu tiên đã trở lại Việt Nam sau khi việc mở cửa đón khách được thực hiện thí điểm ở một số địa phương. Đây chính là cơ sở quan trọng để ngành Du lịch phục hồi, phát triển sau thời gian dài trong tình trạng “ngủ đông” do chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Tín hiệu tích cực nhất có thể thấy rõ qua giai đoạn 1 thực hiện thí điểm đón khách quốc tế (từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12-2021) tại một số địa phương là các phương án, quy trình đón khách đều diễn ra an toàn, được du khách tin tưởng, đánh giá cao. Đặc biệt, việc thí điểm đón khách quốc tế đã giúp ngành Du lịch, các địa phương rút ra kinh nghiệm quý trong xử lý những vấn đề liên quan đến công tác y tế, bảo đảm an ninh trật tự; tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khách du lịch trong bối cảnh dịch bệnh…Toàn bộ quy trình đón khách du lịch quốc tế kể từ khi đăng ký chương trình du lịch, cấp thị thực, chuẩn bị trước chuyến bay, thực hiện thủ tục nhập, xuất cảnh và trong suốt quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam đều được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Thành công bước đầu của giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế đã mở ra “cơ hội vàng” cho ngành Du lịch bước sang giai đoạn 2 (kể từ tháng 1-2022). Điểm nổi bật ở giai đoạn này là việc vừa mở rộng phạm vi đón du khách quốc tế (từ 5 địa phương trong giai đoạn 1 lên 7 địa phương giai đoạn 2), vừa kết nối điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ, hứa hẹn tiếp tục giúp ngành Du lịch từng bước phục hồi, phát triển. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tiến đến giai đoạn 3 là mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc ngành Du lịch đi từng bước chắc chắn để phục hồi, phát triển là rất cần thiết và phù hợp. Cùng với những kinh nghiệm có được từ giai đoạn 1 cho thấy, vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh cho du khách vẫn là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn về quy trình đón khách quốc tế để vừa bảo đảm an toàn, vừa tạo sự thoải mái cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Cũng để thu hút được du khách trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch an toàn, hấp dẫn, khẳng định các thương hiệu điểm đến của du lịch Việt Nam. Có thể tận dụng các kênh trực tiếp, trực tuyến, đặc biệt là các trang mạng xã hội để tiếp cận nhanh chóng đến khách hàng bằng việc tạo niềm tin qua những thông tin chính thống, tin cậy.
Ở góc độ các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tạo uy tín bằng sản phẩm du lịch hấp dẫn, cung cách phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp. Muốn vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nhân sự, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch, các đơn vị cần cập nhật các xu hướng du lịch hậu đại dịch để có phương án phối kết hợp, làm sao để phục vụ du khách tốt nhất.
Khôi phục hoạt động của ngành Du lịch chính là tiền đề quan trọng giúp các ngành kinh tế dịch vụ liên quan phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Và quan trọng hơn là ngành Du lịch từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ đó có đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.