(HNM) - Theo kết quả đánh giá về công tác quản lý, triển khai ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trong năm 2012 do Bộ TT-TT công bố, Hà Nội đã có bước phát triển mới khi vượt 17 bậc...
Việc đánh giá mức độ ứng dụng CNTT được cơ quan chức năng thực hiện hằng năm, nhằm đánh giá toàn diện đối với các công tác quản lý, triển khai ứng dụng CNTT của các địa phương trong toàn quốc. Năm 2012, để có sự thăng hạng vượt bậc về kết quả tổng thể, các tiêu chí thành phần của Hà Nội đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt có nhiều tiêu chí đứng trong nhóm 5 đơn vị dẫn đầu cả nước.
Hà Nội có nhiều bước tiến trong công tác quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Bá Hoạt |
Về hạ tầng kỹ thuật CNTT, năm 2012 Hà Nội đã tiến 20 bậc so với năm 2011, lên vị trí thứ 5. Đó là kết quả của việc tập trung đầu tư toàn diện với phương châm hạ tầng đi trước một bước, tạo điều kiện phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Cụ thể hiện nay 92% cán bộ, công chức được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ và kết nối với hạ tầng mạng diện rộng (WAN) của thành phố; 100% máy tính kết nối internet. Đặc biệt, cuối năm 2012, Trung tâm dữ liệu thành phố thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp độ 3 được đưa vào sử dụng.
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, đến hết năm 2012, có 21/22 sở, ban, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã đã cài đặt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, trong đó, 8/22 sở, ban, ngành và 15/29 UBND quận, huyện, thị xã đã triển khai ứng dụng tới các đơn vị trực thuộc. Các phần mềm phục vụ nghiệp vụ được triển khai đưa vào sử dụng như: Quản lý nhân sự; quản lý tài chính - kế toán; quản lý tài sản công; quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo... Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực như tài nguyên, môi trường, quy hoạch, kiến trúc, quản lý dân cư, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể... cũng đã được tập trung đầu tư. Kết quả là tiêu chí thành phần này, Hà Nội đã tăng 7 bậc, từ thứ 11 (năm 2011) lên vị trí thứ 4.
Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, năm 2012 Hà Nội xếp vị trí thứ 2 (năm 2011 xếp thứ 18). Hiện tại có 20/24 sở, ban, ngành, 29/29 UBND quận, huyện, thị xã có trang thông tin điện tử, 52 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1 dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã hoàn thành, cung cấp trực tuyến và đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua mạng. Có 5/24 sở, ngành và 12/29 UBND quận, huyện, thị xã hỗ trợ tra cứu trạng thái giải quyết thủ tục hành chính trên trang trang thông tin điện tử. Ứng dụng CNTT tại bộ phận hành chính một cửa được trang bị theo hướng hiện đại, đồng bộ đã phát huy hiệu quả tích cực. Có 18/21 sở, ban, ngành và 100% UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử"; 11 quận, huyện đã triển khai phần mềm "một cửa" xuống tất cả các xã, phường trực thuộc.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho biết: "Mặc dù việc triển khai ứng dụng CNTT trong năm 2012 của Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đối với kết quả xếp hạng, nhưng phải nhìn nhận đây là kết quả của cả một quá trình triển khai chứ không chỉ phản ánh kết quả của riêng năm 2012". Xác định ứng dụng CNTT đóng vai trò quan trọng, từ năm 2009, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về việc ứng dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan, đơn vị. Hằng năm, thành phố đều xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT với các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung cụ thể. Trong đó tập trung cho 4 trụ cột chính là hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, nhân lực CNTT và xây dựng cơ chế chính sách. Tuy nhiên, trong từng nội dung triển khai, thành phố xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên.
Tạo nền móng cho cải cách hành chính
Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội (PCI) đã giảm 15 bậc so với năm 2011, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên Hà Nội cũng có những nét rất đặc thù khi tập trung tới 25% số lượng doanh nghiệp của toàn quốc và chiếm 1/4 tổng thu ngân sách của cả nước. Điều đó cho thấy quy mô và khối lượng công việc các cơ quan thành phố phải thực hiện lớn hơn rất nhiều lần so với các địa phương, trong khi cơ cấu biên chế cán bộ, công chức, viên chức cũng chỉ ở mức tương đương. Việc tụt hạng chỉ số PCI của Hà Nội là do phụ thuộc vào các chỉ số thành phần như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước… Thậm chí có cả yếu tố sức ỳ cũng như sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Để giải quyết những bất cập trên, Hà Nội coi CNTT là công cụ phục vụ đắc lực cho công tác CCHC. Cụ thể, việc ứng dụng CNTT là nhằm minh bạch, công khai hóa thông tin, quy trình, quy định, các thủ tục cần thiết trong từng lĩnh vực cho mọi công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Cùng với đó là việc nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, giảm phiền hà, hạn chế tối đa yếu tố phát sinh tiêu cực. Khi triển khai, ứng dụng đồng bộ CNTT, mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy hành chính do con người thực hiện (cán bộ, công chức, viên chức) tạo ra sẽ được triệt tiêu tối đa, không có ranh giới giữa các cơ quan hành chính với công dân, tổ chức khi các dịch vụ công đều được cung cấp trực tuyến…
Chắc chắn sự đột phá về công tác quản lý, triển khai ứng dụng CNTT của Hà Nội sẽ là tiền đề tốt để nâng cao chỉ số PCI của thành phố. Giám đốc Sở TT-TT Tô Văn Động cho biết, thời gian tới Hà Nội xác định trọng tâm là triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2012-2015. Năm 2013, công tác ứng dụng CNTT của thành phố sẽ chọn điểm nhấn làm quyết liệt, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo, trong đó tập trung vào đồng bộ hạ tầng CNTT, tăng cường việc triển khai quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp, tăng cường các cuộc họp giao ban trực tuyến và đặc biệt là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ công dân và doanh nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.