An toàn thực phẩm

Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 08/08/2024 - 07:36

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên thị trường, góp phần minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

dong-goi-rau-an-toan-tai-ho.jpg
Đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý nông sản sẽ giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai, hạn chế sử dụng hóa chất, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn, có giá trị cao.

Là hợp tác xã sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong, xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm cho biết, để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, hợp tác xã đã sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc cũng như quy trình sản xuất các sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ với thao tác quét mã QR gắn trên sản phẩm bằng điện thoại thông minh là có thể nắm được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm và không bị lẫn với bất kỳ sản phẩm, nhãn hiệu nào khác cùng loại trên thị trường.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh (huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Hanh thông tin, với hơn 20ha rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; toàn bộ quy trình sản xuất khép kín. Để cạnh tranh sản phẩm rau an toàn trên thị trường, công ty đã ứng dụng công nghệ trong đăng ký mã QR, tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như: Quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói, tem nhãn... trên từng gói rau, nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Trung bình mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 1 tấn rau, củ an toàn cho thị trường.

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” (check. hanoi.gov.vn). Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.507 cơ sở và 13.949 sản phẩm; duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm của ngành Nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội (gis.chicucquanly chatluongnlsts.hanoi.gov.vn).

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ mở rộng Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản, (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn); xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (tracnghiemattp.chicucquanly chatluongnlsts.hanoi.gov.vn).

Việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý chuỗi nông sản an toàn đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp hiện đại. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã áp dụng công nghệ thông tin vào chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, quản lý logistics kho bãi, bảo quản, xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nông sản...

Đến nay, việc xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thông qua công nghệ số đã giúp nông dân và những người tham gia chuỗi tăng thu nhập, tiết kiệm chi phí.

Hỗ trợ nông dân sử dụng công nghệ thông tin

Hiệu quả đã rõ, song quá trình đưa công nghệ thông tin vào quản lý nông sản còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn: Sản xuất, quản lý, logistics, thương mại... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi quản lý chất lượng nông sản an toàn đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế, nên đầu tư chưa đồng bộ…

Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND thành phố Hà Nội sẽ dành hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các huyện trong việc mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ phần mềm ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh để quản lý, giám sát và kiểm soát sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường..., góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động đối với sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp quản lý, phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản an toàn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; đăng ký tài khoản kinh doanh, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy trình đóng gói, kết nối giao nhận trong quá trình kết nối mua bán trên các sàn thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.