Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền đề cho sự đổi mới toàn diện

Dục Tú| 02/06/2014 05:55

(HNM) - Hôm nay 2-6, gần 1 triệu thí sinh trên phạm vi cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 - kỳ thi có khá nhiều điểm thay đổi so với trước, từ số môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đến cách tổ chức hội đồng coi thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp…

Điều được nhiều người quan tâm là số môn thi và hình thức thi tốt nghiệp THPT thí sinh chỉ phải thi 4 môn thay vì 6 môn thi bắt buộc như trước, gồm hai môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, và hai môn thi tự chọn…

Về cơ bản, sự thay đổi về số môn thi và hình thức thi đem đến cho học sinh sự phấn khởi nhất định, sức ép giảm phần nào bởi sự mở rộng số môn tự chọn giúp học sinh nhiều phương án lựa chọn hơn. Với nhà quản lý giáo dục, định hướng về hình thức thi và cách ra đề cho thấy đang có sự chuyển dịch bước đầu hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Điều quan trọng là đề thi năm nay nhiều khả năng tiếp tục "bám" chuẩn kỹ năng, kiến thức của chương trình, sách giáo khoa hiện hành nhưng hệ thống câu hỏi cho phép thí sinh phát huy khả năng vận dụng kiến thức thay vì phải vắt óc "chép" lại những điều đã học thuộc lòng một cách máy móc. Đó là sự tiếp nối một quan điểm đúng trong việc tổ chức thi và ra đề thi vốn đã thể hiện sự tiến bộ nhất định trong thời gian gần đây.

Sự thay đổi ở kỳ thi này có thể đem lại niềm hứng khởi cho quyết tâm đổi mới trong tương lai, nhất là về cách thức tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá trình độ của học sinh, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng - mục tiêu quan trọng nhất của ngành giáo dục - đào tạo hiện nay. Áp lực thi cử giảm, tâm lý "thi gì học nấy" được gỡ bỏ, thay vào đó là "dạy thật, học thật", chất lượng dạy và học được nâng lên một cách thực chất chứ không chỉ đúng… trong khẩu hiệu hay các bài phát biểu, đó là điều có thể hy vọng trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

Tuy vậy, nền giáo dục không thể thay đổi chỉ sau một vài kỳ thi, đặc biệt là sau một khoảng thời gian dài chúng ta loay hoay với bài toán thi cái gì, thi như thế nào mà không đầu tư đầy đủ thời gian và công sức cho việc khích lệ tinh thần và thái độ dạy - học theo hướng học cho mình thay vì học để thi. Cả xã hội, bao gồm nhà quản lý giáo dục, các nhà trường, phụ huynh và học sinh quay như chong chóng trước các kỳ thi, cách dạy và cách học dường như hướng cả vào sự "đỗ", "trượt". Giáo viên, trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học trò, có xu hướng bám lộ trình thi cử, ngại đổi mới phương pháp vì sợ học trò của mình "chệch ray" và tỉ lệ đỗ không cao. Học sinh, thay vì học để tích lũy kiến thức cho mình, phục vụ cho công tác sau này, đã trở thành "con nợ" của các kỳ thi, dần phổ biến quan niệm thi gì học nấy, không phải thi thì không cần học hoặc "học cho xong". Tinh thần thái độ ấy, cách dạy và cách học ấy thực sự là rào cản đối với hành trình nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực nói chung.

Bởi vậy, những cải cách về tổ chức thi trong thời gian qua mới mang ý nghĩa tạo tiền đề cho những đổi thay mang tính cơ bản trong thời gian sắp tới, cần phải tiếp tục hoàn thiện. Ngoài vấn đề tổ chức thi cử, cách dạy, cách học là điều cần tập trung chấn chỉnh. Muốn học sinh ra đời trở thành công dân có đủ trí lực, đạo đức, thành người có ích, tất yếu phải hướng lớp trẻ đến sự học với ý thức học để thành người chứ không phải học để thi, không phải tấm bằng là mục đích cuối cùng. Mục tiêu ấy không thể thành hiện thực nếu phương pháp, chương trình giáo dục không có sự thay đổi cho phù hợp, nếu người thầy vẫn lên lớp với tâm thế của người "nói từ đầu đến cuối" và học trò chỉ biết nghe rồi tìm cách học thuộc lòng những gì có trong sách vở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề cho sự đổi mới toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.